Các Phím Tắt Dùng Cho Layer Trong Photoshop

CÁC PHÍM TẮT CẦN THIẾT DÙNG CHO LAYER TRONG PHOTOSHOP

Hãy cùng tìm hiểu cách để tăng tốc quá trình làm việc với các layer từ việc tạo, sao chép, chọn layer để hòa trộn… bằng các phím tắt nhé!

Khi nói đến việc tận dụng tối đa sự tiện ích của PTS chúng ta cần phải biết hai điều. Đó là cách sử dụng các layer và cách sử dụng các phím tắt. Layer giúp cho công việc của chúng ta trở nên linh hoạt. Trong khi đó thì các phím tắt sẽ giúp chúng ta hoàn thành mục tiêu một cách nhanh nhất có thể.

Trong bài viết này mình sẽ chỉ cho các bạn những phím tắt cơ bản dùng cho layer. Việc ghi nhớ những phím tắt này đảm bảo sẽ giúp tăng năng suất làm việc của bạn và giúp bạn tiến xa hơn trên con đường trở thành một người thành thạo PTS.

Bài hướng dẫn này phù hợp cho Photoshop CS6 và Photoshop CC. Nếu như bạn đang sử dụng Photoshop CS5 hay những phiên bản cũ hơn thì mình nghĩ là bạn sẽ muốn nâng cấp phiên bản đang sử dụng lên đó.

Các Phím Tắt Cần Thiết Cho Layer

Ẩn/Hiện Bảng Điều Khiển Layer

Theo mặc định, bảng điều khiển Layer sẽ xuất hiện trong cột bảng điều khiển nằm dọc theo bên phải màn hình:

Bảng điều khiển Layer nằm ở phía bên phải của giao diện PTS.

Người dùng có thể ẩn hoặc hiện bảng điều khiển bằng cách nhấn F7. Nhấn F7 lần một để ẩn đi, sau đó nhấn F7 lần nữa để hiển thị lại bảng điều khiển Layer. Lưu ý thao tác này cũng làm ẩn/hiện bảng Channels và Paths vì chúng được lồng vào cùng một nhóm bảng điều khiển với bảng Layer:

Góc nhìn kĩ hơn về bảng điều khiển Layer.

Đặt Tên Cho Một Layer Mới

Cách thông thường để đặt tên cho một layer mới là nhấp vào biểu tượng New Layer ở cuối bảng điều khiển:

Nhấn vào biểu tượng New Layer.

Vấn đề ở đây là PTS sẽ đặt tên cho lớp mới một cái tên khá chung chung như là “Layer 1”. Việc đặt tên như này đôi khi không tiện cho quá trình làm việc cho lắm:

Tên layer được đặt khá chung chung có vẻ không hữu ích cho lắm.

Cách tốt hơn để tạo một layer mới là nhấn giữ phím Alt (Windows) / Option (Macbook) khi nhấn vào biểu tượng New Layer:

Nhấn giữ phím Alt (Windows) / Option (Macbook) khi nhấn vào biểu tượng New Layer.

Thao tác này yêu cầu PTS mở hộp thoại New Layer và người dùng có thể đặt tên cho layer trước khi nó được thêm vào tài liệu. Ví dụ mình muốn sử dụng Clone Stamp Tool trên layer mới thêm vào, vậy mình sẽ đặt tên cho layer này là “Cloning”:

Đặt một cái tên rõ ràng hơn cho layer.

Nhấn OK để chấp nhận tên mới và đóng hộp thoại New Layer. Giờ thì layer “Cloning” đã xuất hiện trong bảng điều khiển Layer:

Layer mới xuất hiện cùng với tên tùy chỉnh.

Tạo Layer Mới Bằng Phím Tắt

Nhấn phím Shift+Ctrl+N (Windows) / Shift+Command+N (Macbook) để tạo layer mới một cách nhanh chóng từ bàn phím. PTS sẽ mở hộp thoại New Layer để người dùng có thể đặt tên cho layer.

Nếu bạn không chú trọng đến việc đặt tên cho layer như nào, thì chỉ cần nhấn Shift+Ctrl+Alt+N (Windows) / Shift+Command+Option+N (Macbook). Thao tác này sẽ bỏ qua việc mở hộp thoại New Layer mà trực tiếp tạo một layer mới vào bảng điều khiển và tự đặt tên cho nó theo mặc định của PTS (ví dụ như “Layer 2”).

Sao Chép Layer Hay Sao Chép Một Vùng Được Chọn Sang Layer Mới

Để nhanh chóng tao một bản sao của layer hay sao chép vùng được chọn sang một layer mới, chỉ cần nhấn Ctrl+J (Windows) / Command+J (Macbook). Ở đây mình sẽ tạo một bản sao của layer Background. Lưu ý là PTS đã tự động đặt tên cho bản sau là “Layer 1”. Nếu muốn tự đặt tên cho layer trước khi thêm nó, hãy nhấn Ctrl+Alt+J (Windows) / Command+Option+J (Macbook) để mới hộp thoại New Layer:

Tạo bản sao của layer Background bằng phím Ctrl+J (Windows) / Command+J (Macbook).

Sao Chép Một Layer Khi Đang Di Chuyển Nó

Để cùng lúc vừa sao chép vừa di chuyển layer trước tiên ta cần nhấn chọn layer đó trong bảng điều khiển Layer. Nhấn V để chọn Move Tool. Sau đó nhấn giữ phím Alt (Windows) / Option (Macbook) khi nhấp và kéo layer trong tài liệu để di chuyển nó. Thay vì di chuyển layer gốc, chúng ta sẽ di chuyển một bản sao của layer trong khi bản gốc vẫn ở nguyên vị trí cũ.

Thêm Một Layer Mới Ngay Dưới Layer Được Chọn

Theo mặc định, PTS sẽ xếp layer mới được thêm vào ở ngay trên layer hiện đang được chọn trong bảng điều khiển Layer. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể thêm các layer mới vào dưới layer đang được chọn. Như trong ví dụ dưới đây của mình, “Layer 1” hiện đang được chọn. Để yêu cầu PTS thêm một layer mới bên dưới nó thì tất cả những gì mình cần làm là nhấn giữ phím Ctrl (Windows) / Command (Macbook) trong khi nhấn biểu tượng New Layer. Nếu muốn đổi tên layer trước khi thêm vào bảng điều khiển thì nhấn giữ phím Ctrl+Alt (Windows / Command+Option (Macbook):

Nhấn giữ phím Ctrl (Windows) / Command (Macbook) trong khi nhấn biểu tượng New Layer.

Bởi vì mình đang giữ phím Ctrl (Windows) / Command (Macbook) nên PTS đã thêm layer mới vào bên dưới Layer 1. Lưu ý thủ thuật này không khả dụng khi layer Background là layer đang được chọn vì PTS không cho phép người dùng đặt bất kì một layer nào dưới lớp nền:

Layer mới được đặt ngay dưới layer được chọn.

Chọn Tất Cả Layer Cùng Lúc

Để chọn tất cả layer cung một lúc, nhấn phím Ctrl+Alt+A (Windows) / Command+Option+A (Macbook). Lưu ý thao tác này sẽ chọn tất cả các layer ngoại trừ layer Background:

Nhấn phím Ctrl+Alt+A (Windows) / Command+Option+A (Macbook) để chọn tất cả layer cùng lúc.

Chọn Nhiều Layer

Để chọn nhiều layer liền kề nhau, hãy nhấn vào layer trên cùng để chọn sau đó nhấn giữ phím Shift và nhấp vào layer dưới dùng (hoặc ngược lại). Thao tác này sẽ chọn layer trên cùng, dưới cùng và tất cả những layer nào nằm giữa hai layer này. Ở ví dụ bên dưới mình đã nhấn vào layer “Dancer”, sau đó nhấn Shift vào layer “Shadow”. Vậy là PTS đã chọn hai layer này và cả layer “Color Fill 1” ở giữa:

Chọn nhiều layer.

Có một cách khác để chọn nhiều layer nằm liền nhau đó là nhấn giữ Shift+Alt (Windows) / Shift+Option (Macbook) và sử dụng phím “[” hoặc “]”. Phím “]” sẽ thêm layer phía trên layer hiện đang được chọn và ngược lại. Tiếp tục nhấn phím ‘‘[’’ hoặc “]” để thêm những lớp tiếp theo ở trên hoặc dưới nó.

Để chọn nhiều layer nhưng không nằm liền kề nhau hãy nhấn Ctrl (Windows) / Command (Macbook) và nhấn vào từng layer mà bạn muốn chọn:

Chọn nhiều layer nhưng không nằm liền kề nhau.

Cuộn Các Layer

Để cuộn các layer trong bảng điều khiển Layer, hãy nhấn giữ phím Alt (Windows) / Option (Macbook) và sử dụng các phím “[” và “]”. Phím “]” là cuộn lên, phím “[” là cuộn xuống.

Di Chuyển Layer Lên Hoặc Xuống

Để di chuyển layer đã chọn lên hoặc xuống, hãy nhấn giữ Ctrl (Windows) / Command (Macbook) và sử dụng phím “[” hoặc “]”. Phím “]” giúp di chuyển lên trên và phím “[” giúp di chuyển xuống dưới. Lưu ý rằng phím tắt này không khả dụng với layer Background và chúng ta cũng không thể di chuyển bất kỳ một layer nào xuống dưới layer Background.

Chuyển Trực Tiếp Một Layer Lên Trên Cùng Hoặc Xuống Dưới Cùng

Để ngay lập tức chuyển một layer bất kì lên trên cùng, ta nhấn Shift+Ctrl+] (Windows) / Shift+Command+] (Macbook). Ví dụ, mình sẽ chuyển layer “Color Fill 1” lên trên cùng:

Chuyển layer đã chọn lên trên cùng.

Để chuyển layer đã chọn xuống dưới cùng (vị trí ngay trên layer Background), hãy nhấn Shift+Ctrl+[ (Windows) / Shift+Command+[ (Macbook). Phím tắt này tất nhiên cũng không khả dụng đối với layer Background:

Di chuyển layer xuống dưới cùng.

Ẩn/Hiện Layer

Nếu đã từng dùng qua PTS bạn sẽ biết được rằng có thể ẩn/hiện layer trong PTS bằng cách nhấn vào biểu tượng hình con mắt (cạnh hình thu nhỏ xem trước) trong bảng điều khiển Layer:

Nhấn vào biểu tượng hình con mắt để ẩn/hiện layer.

Tuy nhiên chúng ta có thể tạm thời ẩn các layer khác ngoại trừ layer được chọn bằng cách nhấn giữ phím Alt (Windows) / Option (Macbook) khi nhấp vào biểu tượng hình con mắt. Nhìn vào ví dụ bên dưới, biểu tượng này chỉ hiển thị đối với layer “Dancer”, có nghĩa là các layer khác hiện đã bị ẩn đi và chỉ còn mình layer “Dancer” đang hiển thị. Để bật lại tất cả các layer ta nhấn và giữ Alt (Windows) / Option (Macbook) rồi nhấp lại vào biểu tượng hiển lúc trước.

Nhấn giữ phím Alt (Windows) / Option (Macbook) khi nhấp vào biểu tượng hiển thị để ẩn/hiện layer.

Xem Từng Layer Một

Một cách rất hữu ích mà nhiều người không biết đến đó là sau khi nhấp Alt (Windows) / Option (Macbook) vào biểu tượng hiển thị của một layer để ẩn các layer còn lại và chỉ giữ nguyên layer mà bạn nhấn vào biểu tượng hiển thị, thì có thể cho hiển thị lần lượt từng layer một bằng cách nhấn giữ phím Alt (Win) / Option (Mac) rồi nhấn phím “[” hoặc “]”.

Phím “]” sẽ giúp hiển thị lần lượt các layer phía trên, phím “[” sẽ giúp hiển thị các layer phía dưới. Khi tới mỗi layer mới, PTS sẽ khiến cho layer đó trở thành layer duy nhất hiển thị và ẩn đi các layer khác. Điều này giúp bạn dễ dàng cuộn qua các layer và xem chính xác nội dung từng layer.

Chọn Nội Dung Của Layer

Để chọn nội dụng của layer, nhấn giữ phím Ctrl (Win) / Command (Mac) và nhấn trực tiếp vào hình thu nhỏ xem trước trong bảng điều khiển Layer. Một đường viền lựa chọn sẽ xuất hiện xung quanh nội dung của layer trong tài liệu:

Nhấn giữ phím Ctrl (Win) / Command (Mac) và nhấn trực tiếp vào hình thu nhỏ xem trước.

Chọn Toàn Bộ Layer

Để chọn toàn bộ layer trước tiên hãy nhấp vào layer đó để nó trở thành layer đang hoạt động sau đó nhấn Ctrl+A (Windows) / Command+A (Macbook).

Tạo Nhóm Mới Từ Các Layer

Để nhanh chóng tạo một nhóm từ các layer đã chọn, trước tiên ta cần chọn các layer muốn nhóm vào cùng một nhóm:

Chọn layer để nhóm vào cùng một nhóm.

Sau đó nhấn Ctrl+G (Windows) / Command+G (Macbook). PTS sẽ tạo một nhóm mới và đặt các layer đã chọn vào trong đó. Để hủy nhóm các layer, nhấn Shift+Ctrl+G (Win) / Shift+Command+G (Mac):

Nhấn Ctrl+G (Windows) / Command+G (Macbook) để nhóm các layer đã chọn.

Hợp Nhất Các Layer Lại Với Nhau

Nhấn Ctrl+E (Windows) / Command+E (Macbook) để hợp nhất một layer với layer ngay dưới nó trong bảng điều khiển Layer.

Để hợp nhất nhiều layer, trước tiên chúng ta cần chọn các layer muốn hợp nhất sau đó nhấn Ctrl+E (Windows) / Command+E (Macbook).

Để hợp nhất hai hay nhiều layer thành một layer mà vẫn giữ nguyên layer gốc thì hãy nhấn chọn các layer đó rồi nhấn Ctrl+Alt+E (Windows) / Command+Option+E (Macbook).

Để hợp nhất tất cả các layer và làm phẳng hình ảnh thành một layer nhấn Shift+Ctrl+E (Windows) / Shift+Command+E (Macbook).

Để hợp nhất tất cả các layer thành một layer mới riêng biệt và vẫn giữ nguyên bản gốc nhấn Shift+Ctrl+Alt+E (Windows) / Shift+Command+Option+E (Macbook).

Tạo Một Mặt Nạ Cắt (Clipping Mask)

Có một số cách để có thể nhanh chóng tạo mặt nạ cắt trong PTS bằng phím tắt. Cách thứ nhất là đưa chuột trực tiếp qua đường phân cách giữa hai layer trong bảng điều khiển Layers. Sau đó nhấn giữ phím Alt (Win) / Option (Mac) rồi nhấp vào. Layer bên trên sẽ được cắt vào layer bên dưới nó. Thực hiện tương tự để hủy tạo mặt nạ cắt:

Tạo mặt nạ cắt.

Một cách khác đó là trước tiên ta sẽ chọn layer được cắt và layer bên dưới nó. Sau đó nhấn Ctrl+Alt+G (Windows) / Command+Option+G (Macbook). Nhấn lại một lần nữa để hủy.

Chuyển Đổi Blend Mode

Khi lựa chọn Blend Mode đa phần mọi người sẽ mở danh sách ở phía trên cùng góc trái bảng điều khiển Layers. Rồi chọn từng cái để xem hiệu ứng sẽ ra sao, việc này khá lằng nhằng mất thời gian và thực tế là có một cách tốt hơn nhiều.

Chỉ cần nhấn giữ phím Shift và sử dụng các phím “+” hoặc “” (phím “+” là cuộn xuống, phím “-” là cuộn lên) là có thể dễ dàng chuyển qua và xem trước kết quả các chế độ hòa trộn khác nhau của PTS.

Tuy nhiên hãy lưu ý rằng một số công cụ của PTS như các công cụ vẽ, các công cụ hìn dạng hay Gradient Tool có chế độ blend màu riêng cho người dùng lựa chọn. Khi sử dụng phím tắt với các công cụ này thì nó sẽ chuyển bạn qua các chế độ của công cụ chứ không phải của layer nữa:

Nhấn giữ phím Shift và sử dụng các phím “+” hoặc “-”

Để tìm hiểu thêm các phím tắt trong Blend Modes hãy tham khảo bài viết Những Phím Tắt Cần Thiết Của Blend Mode.

Thay Đổi Opacity

Để nhanh chóng thay đổi giá trị Opacity của một layer, hãy nhấn vào chữ V để chọn Move Tool sau đó nhập số vào đó. (Nhập “5” cho độ mờ 50%, “8” cho 80%, “3” cho 30%…) Nếu cần một giá trị khác như 25% thì hãy nhập nhanh “25” vào đó. Để có độ mờ 100% thì hãy nhập số “0”. Giá trị bất kì mà bạn nhập sẽ hiện trong tùy chọn Opacity ở góc trên cùng bên phải bảng điều khiển Layer:

Thay đổi giá trị Opacity.

Thực ra không cần nhất thiết phải chọn Move Tool để phím tắt này hoạt động, nhưng bạn cần phải chọn một công cụ mà công cụ đó không có tùy chọn độ mờ của riêng nó (nếu không thì bạn sẽ chỉ thay đổi độ mờ của chính công cụ đó chứ không phải layer). Mình chọn Move Tool là bởi nó không có tùy chọn độ mờ của riêng nó và nằm ở ngay đầu bảng điều khiển Tools nên rất tiện.

Thay Đổi Giá Trị Fill

Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi giá trị của tùy chọn Fill theo cách tương tự. Giống với Opacity, Fill kiểm soát độ trong suốt của một layer. Điều khác nhau duy nhất là trong khi Opacity kiểm soát mức độ trong suốt của cả layer và nội dung thì Fill lại chỉ ảnh hưởng đến nội dung thực tế của layer. (Xem hướng dẫn vầ Opacity và Fill để hiểu rõ hơn).

Nhấn giữ phím Shift rồi nhập giá trị mới:

Nhấn giữ phím Shift rồi nhập giá trị mới.

Xóa Layer

Cuối cùng, để xóa một layer mà không cần kéo nó vào biểu tượng thùng rác. Rất đơn giản ta chỉ cần nhấn Backspace (Windows) / Delete (Macbook).