Cách đặt câu nghi vấn bằng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày

Câu nghi vấn được sử dụng rất nhiều trong giao tiếp hàng ngày, bên cạnh đó, trong các bài thi đánh giá về năng lực ngôn ngữ cũng có những phần thi yêu câu thí sinh phải đặt nghi vấn dựa trên các thông tin đã có sẵn.

Bài viết dưới đây sẽ phân tích và chỉ ra cách đặt của 3 loại câu nghi vấn:

  • Câu hỏi Có – Không (Yes – No questions)

  • Câu hỏi lựa chọn (option questions)

  • Câu hỏi có từ để hỏi (Wh- questions)

Câu hỏi Có – Không (Yes – No questions)

Là câu hỏi có thể được trả lời bằng Yes – No (Có – Không). Ví dụ: Bạn có phải là bác sĩ không? – Are you a doctor?

Câu hỏi có động từ to-be

Động từ “to be” bao gồm “am, is, are, was, were, have/has been, had been” là những động từ chỉ trạng thái, có thể hiểu nghĩa là “là, thì, ở” hoặc đôi khi không dịch nghĩa tiếng Việt. Xuất hiện trong câu với chức năng chủ yếu là bổ sung động từ cho câu trong trường hợp câu không có mặt động từ.

Ví dụ: I am tired. (câu khẳng định, thì hiện tại đơn)

They were giving me a lot of work to do. (câu khẳng định, thì quá khứ tiếp diễn)

Cách đặt câu hỏi: Đảo động từ “to be” lên trước chủ ngữ các thành phần còn lại giữ không đổi.

0

*Lưu ý, mặc dù đứng trước chủ ngữ nhưng động từ “to be” vẫn phải dựa vào chủ ngữ đó và thì của câu để chia cho phù hợp.

Ví dụ 1: Are your friends friendly?

→ Chủ ngữ là số nhiều (your friends) và thì của câu là thì hiện tại (vì người nói muốn hỏi về một sự thật ở hiện tại), do đó động từ “to be” của câu là ARE.

Ví dụ 2: Was he doing his homework when you saw him?

→ Chủ ngữ là số ít (he) và thì của câu là thì quá khứ (vì người nói muốn hỏi về sự thật ở quá khứ, khi bạn thấy anh ta), do đó động từ “to be” của câu là WAS.

Câu hỏi có động từ thường

Khác với động từ “to be”, đa số các động từ thường sẽ có nghĩa tiếng Việt tương tự. Ví dụ: eat (ăn), do (làm), …

Cách đặt câu hỏi: Khi muốn đặt cầu hỏi có động từ thường, cần phải sử dụng trợ động từ, và đảo trợ động từ đó ra trước chủ ngữ, còn động từ thường thì chia ở dạng nguyên mẫu. Trợ động từ bao gồm do/does (hiện tại đơn), have/has (hiện tại hoàn thành), did (quá khứ đơn), had (quá khứ hoàn thành), những trợ động từ này không dịch nghĩa tiếng Việt.

0

Ví dụ 1: he had a lot of deadlines. (Câu khẳng định, thì quá khứ đơn)

Chuyển thành câu nghi vấn: Did he have a lot of deadlines?

Chủ ngữ là he và thì của câu là thì quá khứ đơn. Had ở câu gốc được chuyển thành Have vì đã có trợ động từ Did chịu trách nhiệm chia thì cho câu (một câu chỉ cần một động từ chia thì, nếu trợ động từ đã chia thì rồi thì động từ thường giữ ở dạng nguyên mẫu).

Ví dụ 2: Have you given up smoking, yet?

Chủ ngữ là you và thì của câu là thì hiện tại hoàn thành. Trợ động từ của thì hiện tại hoàn thành là Have/has nên chỉ cần đem Have/has lên trước chủ ngữ, còn hành động Given không thay đổi.

Câu hỏi có động từ khiếm khuyết

Động từ khiếm khuyết là những động từ không chỉ hành động mà chỉ bổ nghĩa cho một động từ chính khác (có thể bổ nghĩa cho động từ to be hoặc động từ thường). Ví dụ: Can (có thể), May (có thể, có lẽ), Should (nên), Must (phải),… Đi sau động từ khiếm khuyết phải là một động từ nguyên mẫu, không chia thì.

Ví dụ: I will be fine. 

Cách đặt câu hỏi: Khi muốn đặt câu hỏi có động từ khiếm khuyết, người nói/viết đảo động từ khiếm khuyết lên trước chủ ngữ, các động từ còn lại cũng vẫn ở dạng nguyên mẫu.

0

Ví dụ 1: Will you be back soon?

Chủ ngữ là you, động từ khiếm khuyết là Will, động từ be giữ nguyên mẫu trong câu khẳng định lẫn câu nghi vấn.

Ví dụ 2: Should I give up on this?

Chủ ngữ là I, động từ khiếm khuyết là Should, động từ give giữ nguyên mẫu trong câu khẳng định lẫn câu nghi vấn.

Câu hỏi lựa chọn

Là câu hỏi cung cấp cho người nghe hai hoặc nhiều sự lựa chọn. Câu trả lời có thể là một trong những lựa chọn được cung cấp hoặc không, nhưng không thể dùng Yes – No để trả lời. Về mặt hình thức, câu hỏi lựa chọn cũng tương tự câu hỏi Yes – No bắt đầu bằng:

  • Động từ to be

  • Trợ động từ

  • Động từ khiếm khuyết

Tuy nhiên, trong câu hỏi có cung cấp hai hoặc nhiều sự lựa chọn, ví dụ:

  • Are you working or studying? → bạn đi học hay đi làm

  • Does he want to be a waiter forever or what? → anh ta muốn làm phục vụ bàn mãi hay sao?

  • Would you like to drink coffee, coke or tea? → bạn muốn uống cà phê, coca hay trà?

Câu hỏi có từ để hỏi

Là câu hỏi mở, yêu cầu người nghe cung cấp thêm những thông tin mới và không thể chỉ trả lời yes / no hay một lựa chọn sẵn có trong câu hỏi. Đây là các câu hỏi bắt đầu bằng 9 từ để hỏi như sau: Who, Whom, What, Where, When, Why, Whose, Which, How.

Cách đặt câu hỏi: Tương tự với cách đặt câu hỏi Yes/No, người nói/viết chỉ cần thêm Từ để hỏi (Wh-) đứng đầu câu, đứng trước cả trợ động từ, động từ to be và động từ khiếm khuyết.

0

Đặt câu hỏi với When, Where và Why

Lần lượt mang nghĩa là khi nào, ở đâu và tại sao. Người hỏi muốn biết thêm về thời điểm, nơi chốn và lý do.

Ví dụ: When will you finish your work? Where do you want to go? Why did you stay up later?

Đặt câu hỏi với Who và Whom

Về nghĩa, cả hai đều mang nghĩa là Ai, và người nghe được mong chờ sẽ cung cấp thông tin về tên người hoặc một danh từ chỉ người. Nhưng có một số khác biệt giữa Who và Whom:

  • Who: có thể làm chủ ngữ của động từ, cũng có thể làm tân ngữ của động từ.

  • Whom: chỉ có thể làm tân ngữ của động từ mà thôi.

Ví dụ 1: Who did you meet yesterday? hoặc Whom did you meet yesterday?

Cả hai câu đều đúng. Trợ động từ là did bởi vì thì của câu là thì quá khứ đơn, động từ chính trong câu là Meet, và người nói/viết mong chờ được cung cấp thông tin về tân ngữ của Meet.

Ví dụ 2: Who wants to eat ice cream?

Người hỏi muốn có thông tin về chủ ngữ của động từ want, trong trường hợp này thì không thể dùng Whom.

Đặt câu hỏi với Whose

Nghĩa là Của ai, hoặc Của cái gì, vật gì. Phía sau Whose luôn là một danh từ, và người hỏi muốn biết danh từ đó là thuộc sở hữu của ai/vật nào.

Ví dụ: Whose pen is this?

Chủ ngữ là this, động từ là is và được đảo lên trước chủ ngữ. Người hỏi muốn có thêm thông tin về cây viết là thuộc sở hữu của ai.

Đặt câu hỏi với What

Nghĩa là cái gì. What có thể làm chủ ngữ cho động từ cũng có thể làm tân ngữ cho động từ. Ngoài ra phía sau What có thể có thêm một danh từ nhằm làm rõ thêm nữa về danh từ đó.

Ví dụ:

  • What do you like to eat? (what làm tân ngữ cho eat)

  • What fruit do you like to eat? (what fruit làm tân ngữ cho eat, làm rõ câu hỏi của người hỏi)

  • What fruit is good for health? (what fruit làm chủ ngữ cho is)

Lưu ý: Trước What còn có thể thêm một giới từ trong trường hợp What không phải là chủ ngữ cũng không phải tân ngữ của động từ, mà chỉ đóng vai trò một cụm giới từ. Chức năng là làm rõ cho người nghe hiểu rõ hơn về câu hỏi. Ví dụ:

  • At what age should children go to school? (at what age là cụm giới từ chỉ thời gian, giúp người nghe hiểu rõ hơn so với khi chỉ hỏi bằng When),

  • In what room did you see him? (in what room là cụm giới từ chỉ nơi chốn).

Đặt câu hỏi với Which

Nghĩa là cái nào, người nào. Khác với What, câu hỏi bắt đầu bằng Which muốn người nghe chọn lựa và đưa ra câu trả lời dựa trên những lựa chọn đã được đưa ra trước đó/sau đó. Ngoài ra, phía sau Which có thể có thêm một danh từ nhằm nhắc lại hoặc làm rõ rằng người hỏi muốn hỏi về đối tượng nào. Which có thể làm chủ ngữ cho động từ cũng có thể làm tân ngữ cho động từ.

Ví dụ:

  • Which do you like to eat? I have an apple and an orange here. (Which làm tân ngữ cho eat)
    I have met James, John and Joe, so which person do you like the most? (Which person làm tân ngữ cho like)

  • Which one is nicer to you? (Which one làm chủ ngữ cho is)

Đặt câu hỏi với How

Nghĩa là như thế nào, người hỏi muốn được cung cấp thông tin về cách thức thực hiện một hành động. Ngoài ra, phía sau How có thể thêm một tính từ hay trạng từ khi người hỏi mong chờ có thêm thông tin chi tiết về mức độ của tính / trạng từ đó.

Ví dụ:

  • How do you go to school? (Hỏi về cách thức gođi học của một người)

  • How tall is he? (hỏi về chiều cao, cao như thế nào, cao đến mức nào, tính từ tall bổ nghĩa cho đại từ he)

  • How quickly could she finish her homework? (hỏi về tốc độ, nhanh đến mức nào, trạng từ quickly bổ nghĩa cho động từ finish)

Lưu ý: Khi dùng How many hoặc how much, phía sau có thể có thêm một danh từ để nhấn mạnh ý của người hỏi về số lượng của một cái gì đó. Ví dụ: How many people are there in this class? How much water do you drink every day?

Hoàng Anh Khoa