Cấu tạo nồi cơm điện và nguyên lý hoạt động

Nồi cơm điện hiện đang là một trong số những vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình, kể cả nông thôn lẫn thành thị. Nhờ khả năng tiết kiệm thời gian, công sức khi nấu cơm mà nó đã trở thành vật dụng đầu tiên mà mỗi căn bếp cần phải có!

Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc:

  • Cấu tạo nồi cơm điện như thế nào?
  • Nguyên lý hoạt động của nó ra sao?

Trong bài viết này hãy cùng mình tìm hiểu một cách khái quát nhất về vấn đề này!

Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng, nấu cơm ngon bằng nồi cơm điện

Cấu tạo chung của một nồi cơm điện

Hiện trên thị trường có rất loại nồi cơm điện khác nhau, mình có thể kể ra đây khá nhiều loại:

  • Nồi cơm điện cơ: Gồm 2 loại:
    • Nồi cơm điện nắp liền
    • Nồi cơm điện nắp rời
  • Nồi cơm điện tử
  • Nồi cơm điện cao tần
  • Nồi cơm điện áp suất

Mỗi loại lại có những điểm khác trong nhau trong nguyên lý hoạt động, nhưng chúng đều có cấu tạo gồm 4 phần chính sau:

1. Vỏ nồi

Nồi cơm điện tử Philips HD4515

Nó chính là cái phần bọc bên ngoài của nồi đó, thông thường nó được làm bằng nhựa, một số chiếc được làm bằng thép không gỉ. Nhiệm vụ chủ yếu của vỏ nồi:

  • Giữ nhiệt, giúp nhiệt độ ổn định trong suốt quá trình nấu, đồng thời giúp giữ ấm tốt hơn. Khi mới được sinh ra nồi cơm điện chưa có cấu tạo 2 phần riêng biệt là: Vỏ nồi và Lòng nồi nên khả năng giữ nhiệt của nó rất kém dẫn đến tốn điện, cơm nhanh bị nguội. Nếu bạn có hứng thú về lịch sử phát triển của nồi cơm điện, bạn có thể tham khảo thêm tại đây
  • Bảo vệ các bộ phận bên trong, đồng thời bảo vệ an toàn cho chính người sử dụng. Bạn hãy thử tưởng tượng nếu tất cả các bộ phận bên trong chiếc nồi được phơi bày ra thì sao nhỉ? Chắc sẽ không ai dùng nó đâu!
  • Làm tăng tính thẩm mỹ cho chiếc nồi, điều này rất rõ ràng rồi còn gì nữa!

Với vỏ nồi bạn còn cần quan tâm tới:

  • Nắp của nó:
    • Loại nắp rời thì rất dễ vệ sinh, tuy nhiên nó lại thoát ra rất nhiều hơi nước trong quá trình nấu nên khá nguy hiểm cho trẻ nhỏ
    • Loại nắp liền: Khó vệ sinh hơn nhưng an toàn hơn, bạn có thể chọn loại có thể tháo rời mặt trong được để đơn giản công việc vệ sinh nồi
  • Van thoát hơi: Có tháo được hay không? Có phải loại thông minh không?

2. Lòng nồi

Nồi cơm điện tử Toshiba RC-10NMF

Mặc dù việc chiếc nồi nấu ra cơm có ngon hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng thứ quan trọng nhất vẫn là chất lượng của Lòng nồi! Nhiệm vụ của lòng nồi: Hấp thụ nhiệt từ bộ phận làm nóng (Mâm nhiệt) và truyền nhiệt cho thực phẩm bên trong nó (gạo) từ đó làm chín thực phẩm.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của lòng nồi:

  • Chất liệu: Phổ biến nhất là hợp kim nhôm ngoài ra còn có: Nhôm dập, gang, gốm ceramic
  • Độ dày: Càng dày thì càng tốt, càng bền
  • Lớp chống dính: Có thể là Teflon, Whitford, kim cương

Nếu nói đến công nghệ lòng nồi hiện đại nhất chắc chắn phải nhắc đến thương hiệu Cuckoo của Hàn Quốc, họ có những chiếc lòng nồi rất bá đạo!

3. Bộ phận tạo nhiệt

Nó chính là cái mâm nhiệt, nhiệm vụ của nó là chuyển hóa điện năng thành nhiệt năng và truyền cho lòng nồi.

Tùy theo từng model mà sẽ có các loại sau:

  • Nồi có 1 mâm nhiệt dưới đáy
  • Nồi có 2 mâm nhiệt: Dưới đáy và xung quanh nồi. Công nghệ nấu 2D
  • Nồi có 3 mâm nhiệt: Dưới đáy, xung quanh và trên nắp nồi. Công nghệ nấu 3D

Riêng đối với nồi cao tần thì bộ phận tạo nhiệt sẽ phức tạp hơn rất nhiều, vì nó làm nóng từ bên trong ra!

4. Bộ phận điều khiển

Với nồi cơm điện cơ, bộ phận điều khiển rất đơn giản, nó dùng rơ le để chuyển chế độ từ nấu sang ủ ấm và bạn thường chỉ có 2 lựa chọn: Nấu hoặc Giữ ấm

nồi cơm điện hình con lợn happycook
Nồi cơm điện tử thì phức tạp hơn, nó có:

  • Điều khiển bằng mạch điện tử
  • Màn hình hiển thị thông tin LCD
  • Điều khiển bằng nút bấm thay vì cần gạt như nồi cơ
  • Cài sẵn nhiều chế độ nấu

Nồi cơm điện tử Philips HD3130

Nguyên lý hoạt động

Rất đơn giản thôi: Bạn cấp điện cho nồi, bật chế độ nấu mà bạn muốn, bộ điều khiển sẽ cấp điện cho mâm nhiệt, mâm nhiệt chuyển điện năng thành nhiệt năng làm nóng lòng nồi khiến gạo được nấu thành cơm, vỏ nồi giữ nhiệt độ ổn định trong quá trình nấu, khi gạo đã nở đến một mức nhất định, bộ phận điều khiển sẽ tự động chuyển sang chế độ giữ ấm.

Trong quá trình nấu còn có sự tham gia của Van thoát hơi nước, nó giúp điều chỉnh lượng nước, mức áp suất trong nồi.

Về cơ bản thì mọi nồi cơm điện đều có chung nguyên lý hoạt động như trên. Sự khác nhau giữa các loại nồi chính là Cách mà bộ điều khiển hoạt động!

Nếu bạn muốn tìm hiểu về cách mà bộ điều khiển của nồi cơ hoạt động thì hãy tham khảo tại đây. Trong trường hợp bạn có một chiếc nồi điện tử bị hỏng thì tốt nhất nên tìm đến một cơ sở sửa chữa chuyên nghiệp vì nó rất phức tạp với người dùng thông thường!

Khi bạn đã hiểu về cấu tạo và cách mà nồi cơm điện hoạt động, bạn có thể tự mình khắc phục những hỏng hóc đơn giản tại nhà cũng như sử dụng nó đúng cách hơn!

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

Tìm mã giá, khuyến mãi khi mua hàng Online bằng cách Click vào đây