Lịch sử phát triển của máy tính trải qua bao nhiêu thế hệ?

Ngày nay, các bạn có thể thấy những chiếc máy tính cấu hình mạnh, nhiều chức năng “xịn xò”, vẻ ngoài đẹp đẽ. Để có được điều đó, máy tính đã trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển. Bài này sẽ tóm gọn lịch sử phát triển của máy tính.

Dựa vào công nghệ phần cứng, lịch sử phát triển máy tính được chia thành các thế hệ sau:

1. Thế hệ zero – máy tính cơ học (1642 – 1940)

Vào năm 1642, Blaise Pascal đã sáng chế ra máy tính cơ học đầu tiên, gọi là “Pascaline”.

2. Thế hệ I – bóng đèn chân không (1940 – 1956)

Máy tính ENIAC được chế tạo năm 1943 – 1944 để phục vụ cho quân sự. Máy tính ENIAC sử dụng hệ đếm thập phân, có khả năng lưu trữ một số thập phân 10 chữ số. Mỗi chữ số được thể hiện bằng một vòng gồm 10 đèn chân không.

Cũng trong thời gian này, kiến trúc máy tính von Neumann cũng được ra đời. Kiến trúc này là cơ sở cho kiến trúc thiết kế máy tính ngày nay.

Máy tính IAS (Institute for Advanced Study) được John von Neumann thiết kế và chế tạo dựa trên kiến trúc này.

3. Thế hệ II – transistor (1956 – 1963)

Thay thế đèn chân không bằng bóng bán dẫn (transistor) được chế tạo từ silicon.

Bóng bán dẫn là phát minh lớn của phòng thí nghiệm Bell Labs vào năm 1947 bởi John Bardeen, Walter Brattain, William Shockley.

4. Thế hệ III – mạch tích hợp (1964 – 1971)

Công nghệ mạch tích hợp (Integrated Circuit – IC) ra đời. Công nghệ này cho phép nhiều transistor được tích hợp trong một mạch nhỏ.

Giai đoạn này, IBM là nhà sản xuất máy tính nổi bật nhất với IBM System/360 và IBM 5100.

5. Thế hệ IV – mạch tích hợp mật độ siêu cao (1971 – đến nay)

Công nghệ mạch tích hợp với mật độ siêu cao (Very Large Scale Integrated – VLSI) xuất hiện. Công nghệ cho phép tích hợp hàng triệu transistor trên một bản mạch.

Năm 1981, IBM giới thiệu máy tính IBM PC 5150 trên cơ sở CPU 8088 chạy hệ điều hành PC DOS 1.0 của Microsoft.

6. Xu hướng phát triển máy tính trong tương lai

Công nghệ mạch tích hợp với mật độ siêu cao ngày càng được phát triển với các tiến trình sản xuất CPU 22nm, 14nm, 10nm, 7nm và còn nhỏ hơn trong tương lai.

Để tăng tốc độ xử lý, các nhà sản xuất còn phát triển máy tính với các bộ xử lý đa lõi.

Một nhánh phát triển của máy tính trong tương lai là máy tính lượng tử với kỳ vọng tốc độ xử lý cao hơn gấp nhiều lần so với máy tính dựa trên linh kiện bán dẫn.

5/5 – (1 bình chọn)