Tìm Hiểu Về Tính Năng Opacity Và Fill Trong Photoshop

OPACITY VÀ FILL TRONG PHOTOSHOP

Tùy chọn Opacity và Fill kiểm soát độ trong suốt của layer và thường hoạt động giống hệt nhau. Trong bài hướng dẫn này chúng ta sẽ tìm hiểu sự khác biệt quan trọng giữa hai tùy chọn này khi làm việc với layer.

Câu hỏi phổ biến nhất mà mình hay gặp đó là “Sự khác biệt giữa Opacity và Fill là gì? Hai tùy chọn này không phải là giống hệt nhau sao?”. Câu hỏi này khá hay đó vì trong hầu hết các trường hợp thì chức năng của chúng thực sự giống hệt nhau.

Cả Opacity và Fill đều kiểm soát độ trong suốt của layer. Tức là chúng kiểm soát mức độ mà layer được chọn cho phép các layer khác bên dưới nó hiển thị trong tài liệu. Để giảm độ trong suốt của layer thông thường chúng ta sẽ giảm giá trị Opacity. Nhưng nếu như tùy chọn Fill cũng làm giảm độ trong suốt thì lý do gì phải chia ra làm hai tùy chọn mà chỉ phục vụ cho một mục đích? Rõ ràng là phải có sự khác biệt ở đây chứ.

Và sự khác biệt chính giữa hai tùy chọn này liên quan đến layer styles (kiểu layer) trong PTS. Nếu như bạn chưa thêm bất kì hiệu ứng (layer style) nào vào layer ví dụ như nét vẽ, đổ bóng, góc xiên, chạm nổi hay ánh sang bên ngoài thì chức năng của Oapcity và Fill tương tự nhau. Nhưng chỉ cần áp dụng một hay nhiều hiệu ứng thì Opacity và Fill sẽ hoạt động khác nhau đó. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Mình sẽ lấy một hình ảnh từ thư viện ảnh Fotolia và thêm vào ảnh dòng chữ “Dream”:

Ảnh gốc và chèn thêm chữ “Dream”.

Nhìn vào bảng điều khiển Layers, có thể thấy ảnh bé gái đang nằm trên layer Background và từ “Dream” nằm ở layer riêng phía bên trên. Ngoài ra còn có một bản sao của layer Dream nhưng hiện tịa mình đã tắt hiển thị của nó:

Các layer trong bảng điều khiển Layers.

Tùy chọn Opacity nằm ở góc trên cùng bên phải của bảng Layers còn tùy chọn Fill nằm ngay bên dưới nó. Theo mặc định thì cả hai đều được đặt là 100%, nghĩa là dòng chữ nằm trên tài hiện đang hiển thị 100%:

Cả Opacity và Fill đều được đặt là 100% theo mặc định.

Hãy xem điều gì xảy ra nếu như mình chỉnh Opacity xuống còn 50%:

Chỉnh Opacity xuống 50%.

Với Opacity được hạ xuống còn 50% thì từ “Dream” trong tài liệu giờ có độ trong suốt là 50% khiến cho hình ảnh bên dưới nó có thể hiển thị một phần:

Hình ảnh sau khi hạ giá trị Opacity xuống còn 50%.

Giờ hãy đưa Opacity về giá trị cũ (100%) và hạ Fill xuống mức 50% xem sao nhé:

Hạ Fill xuống 50%.

Với giá trị Fill là 50%, từ “Dream” một lần nữa lại có độ trong suốt là 50% và kết quả chúng ta nhận được cũng tương tự như khi giảm giá trị của Opacity:

Kết quả giống nhau khi hạ giá trị của Opacity và Fill xuống 50%.

Sự Khác Nhau Giữa Opacity Và Fill Khi Có Thêm Hiệu Ứng

Cho tới giờ thì các bạn vẫn chưa thấy được sự khác biệt giữa hai tùy chọn này đúng không? Đó là bởi vì chúng ta đang thực hiện trên một layer mà không có bất kì một hiệu ứng nào được áp dụng cho nó. Hãy cùng xem thử điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thử trên một layer khác nhé. Mình sẽ tắt hiển thị của layer Dream:

Tắt hiển thị layer Dream.

Thao tác này sẽ ẩn đi văn bản gốc trong tài liệu, sau đó mình sẽ nhấp vào layer Dream copy để chọn nó và bật hiển thị của layer này lên:

Chọn và bật hiển thị của layer Dream copy.

Layer mới này có chứa văn bản giống hệt layer Dream, tuy nhiên có một điểm khác biệt rất quan trọng đó là mình đã thêm một vài hiệu ứng vào cho nó (một nét vẽ, đổ bóng mờ và hiệu ứng làm vát, nổi. Chúng ta có thể thấy nét màu hồng xung quanh các chữ cái và bóng đổ phía sau chúng. Hiện tại thì hơi khó để nhìn được hiệu ứng vát nổi với dòng chữ đang có màu trắng đồng bộ như này:

Văn bản tương tự nhưng có chèn thêm các hiệu ứng.

Mình sẽ mở danh sách các hiệu ứng trong bảng điều khiển Layers bằng cách nhấp vào mũi tên nhỏ ở bên phải của biểu tượng “fx” để các bạn có thể thấy rằng thực tế mình đã áp dụng ba hiệu ứng Drop Shadow, Bevel và Emboss and Stroke cho văn bản:

Nhấn mở để xem danh sách các hiệu ứng được thêm vào văn bản.

Hãy xem điều gì sẽ xảy ra với layer mới này khi mình giảm Opacity xuống 50% nhé:

Giảm Opacity xuống 50%.

Với việc giảm giá trị Opacity xuống 50% chúng ta đã làm cho mọi thứ trên layer trong suốt ở mức độ 50%. Không chỉ văn bản mà các hiệu ứng áp dụng cho nó cũng đều có mức độ trong suốt là 50%:

Hạ giá trị Opacity và mọi thứ trên layer (bao gồm cả văn bản và hiệu ứng) đều có mức độ trong suốt là 50%.

Cũng không có gì khác so với trước lắm. Mình sẽ đưa giá trị Opacity về 100% như cũ và giảm Fill xuống còn 50%:

Hạ Fill xuống 50%.

Và bây giờ chúng ta sẽ thấy sự khác biệt giữa hai tùy chọn Opacity và Fill. Opacity giảm xuống 50% khiến tất cả mọi thứ trên layer đều có mức độ trong suốt là 50%, tuy nhiên khi hạ Fill xuống 50% thì chỉ có văn bản thay đổi mức độ trong suốt thành 50% còn các hiệu ứng được áp dụng cho văn bản vẫn hiển thị ở mức 100%. Các hiệu ứng không hề bị ảnh hưởng bởi giá trị Fill. Trên thực tế chúng ta đã bắt đầu có thể nhìn thấy hiệu ứng Bevel and Emboss (vát nổi) mà mình đã áp dụng cho văn bản trước đó:

Giá trị Fill chỉ tác động đến văn bản, không làm ảnh hưởng đến các hiệu ứng.

Thử hạ Fill xuống mức 0% xem điều gì xảy ra nào:

Hạ Fill xuống 0%.

Với Fill được đặt thành 0%. Văn bản trở nên hoàn toàn trong suốt nhưng các hiệu ứng vẫn hiển thị 100%. Giá trị của Fill không hề ảnh hưởng đến các hiệu ứng, cho phép người dùng dễ dàng tạo ra một hiệu ứng văn bản thú vị mà Opacity không thể làm được:

Văn bản đã trong suốt hoàn toàn nhưng các hiệu ứng không hề bị ảnh hưởng.

Đây chính là sự khác biệt giữa Opacity và Fill. Khi mà Opacity kiểm soát độ trong suốt của tất cả mọi thứ nằm trên layer thì Fill chỉ ảnh hưởng đến nội dụng thực tế của layer (trong trường hợp của mình thì nó là văn bản), còn các hiệu ứng thì vẫn được PTS coi là tách biệt với nội dung thực tế của layer nên nó vẫn hiển thị 100% và không bị ảnh hưởng bởi giá trị Fill.

Như ban đầu mình đã đề cập thì trong hầu hết các trường hợp khi chúng ta cần giảm độ trong suốt của một layer thì chỉ cần giảm giá trị Opacity xuống. Nhưng nếu đã áp dụng các hiệu ứng cho nó và muốn giữ cho các hiệu ứng này hiển thị 100% thì hãy giữ nguyên giá trị Opacity là 100% và thực hiện giảm giá trị Fill.