So Sánh 2 Phương Pháp Quản Lý Dự Án: Scrum Và Waterfall – Phần 1

So Sánh 2 Phương Pháp Quản Lý Dự Án: Scrum Và Waterfall – Phần 1


26087

    

0

Là một nhà quản lí dự án, chắc hẳn bạn không còn xa lạ gì với 2 phương pháp phổ biến Waterfall và Agile. Tuy nhiên, bạn có chỉ mới nghe tên về chúng hay bạn thực sự hiểu rõ bản chất của chúng. Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu được ưu, nhược điểm của mỗi phương pháp, cũng như chúng sẽ thích hợp với những loại dự án nào nhé.

 

Các nhà quản lí dự án đã tranh luận rất nhiều về chủ đề “Phương pháp quản lí dự án nào vượt trội hơn?” và lí do đằng sau đó là gì. Mặc dù thực sự thì, không có cái gọi là “Phương pháp quản lí dự án tốt nhất”.

Xuất phát điểm của mọi phương pháp quản lí dự án đều có mục đích là để giải quyết một vấn đề cụ thể của một dự án cụ thể với những yêu cầu cụ thể, cần được xem xét trên cả đặc thù và tuổi thọ của dự án này. Điều này nghĩa là phương pháp được sử dụng để xử lý một dự án sẽ dựa trên các yêu cầu, vòng đời và mục đích cuối cùng của dự án đặc thù nào đó.

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng so sánh hai phương pháp quản lí dự án là Waterfall và Agile, tìm hiểu ưu, nhược điểm của mỗi phương pháp, cũng như chúng sẽ thích hợp với những loại dự án nào.

Waterfall

Đối với các nhà quản lí dự án, phương pháp Waterfall là phương pháp đơn giản nhất để tiếp cận một dự án bất kỳ. Waterfall là phương pháp quản lý dự án liên tiếp, trong đó mỗi giai đoạn của dự án (như nghiên cứu tính khả thi, lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng, kiểm tra, sản xuất và bảo trì) phải được hoàn thành trước khi chuyển sang giai đoạn kế tiếp, giống như một thác nước vậy. Ý tưởng của phương pháp này bắt nguồn từ quy trình công việc tiêu chuẩn trong ngành xây dựng và ngành sản xuất, vì các dự án trong hai ngành này đều có cách tiếp cận cố định, theo cấu trúc và theo từng giai đoạn một.

Waterfall được biết đến và yêu thích nhờ vào tính đơn giản và dễ sử dụng. Phương pháp này được dùng chủ yếu cho các dự án đơn giản, không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện.

Ưu điểm của phương pháp Waterfall:

Dễ dàng theo dõi và quản lý: Vì Waterfall rất đơn giản, có cùng cấu trúc và cách tiếp cận ở mọi giai đoạn, nên dù dự án bạn đang thực hiện là gì, bạn vẫn thấy dễ hiểu, dễ theo dõi và dễ quản lý. Bạn không cần phải có kiến ​​thức hay hiểu biết trước nào về một trong các phương pháp quản lý dự án hàng đầu trước khi bắt đầu làm việc với Waterfall. Nó cũng rất cứng nhắc trong vấn đề về các thành phẩm và bản sửa đổi (mỗi giai đoạn đều có một danh sách cụ thể các công việc / hoạt động / cột mốc cần được thực hiện trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo), vì vậy dự án rất dễ để kiểm soát.

Ít rủi ro hơn – Mỗi giai đoạn của Waterfall đều đòi hỏi một lượng công việc nhất định cần hoàn thành và kiểm tra lại, nhờ đó bạn sẽ có thêm cơ hội để tìm kiếm, sửa chữa các sai sót / vấn đề và khắc phục chúng tại chỗ, trước khi sang đến giai đoạn kế tiếp.

Tài liệu hóa mọi thứ – Waterfall chú trọng vào tài liệu trong từng giai đoạn, giúp bạn dễ dàng truyền đạt cách tiếp cận của mình đến khách hàng và các bên liên quan. Hơn nữa, khách hàng có thể tham khảo tài liệu mỗi khi họ cần thêm thông tin chi tiết (như các thông tin về chi phí, qui mô, thời gian, v.v…).

Nhược điểm của phương pháp  Waterfall:

Không thể thực hiện thay đổi dễ dàng – Một khi giai đoạn của dự án đã hoàn thành, rất khó khăn, tốn kém để quay lại và thay đổi giai đoạn đó khi cần thiết. Ví dụ, khi một nhóm phát triển phần mềm thiết kế ra một sản phẩm, họ nhận thấy rằng một tính năng bị thiếu, do đó họ bị buộc phải quay lại, bắt đầu lại từ đầu để thêm vào tính năng này.

Thời hạn dài – Bạn không thể tự lựa chọn sẽ làm gì vào thời điểm nào, bạn cần theo đúng quy trình của dự án và phải hoàn thành một giai đoạn trước khi bắt đầu giai đoạn tiếp theo, nên bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để đạt được kết quả cuối cùng, hoặc thậm chí chỉ để giới thiệu một bản demo cho khách hàng.

Xác định dữ liệu ngay từ đầu – Giai đoạn đầu của phương pháp Waterfall có lẽ là thời điểm quan trọng và khó khăn nhất. Nó đòi hỏi phải có sự giao tiếp với khách hàng và các bên liên quan, phải hiểu chính xác kết quả cuối cùng mà họ muốn đạt được là gì. Mặc dù ở hầu hết các trường hợp, khách hàng đều rất khó để xác định chính xác những gì họ muốn ngay từ đầu, cũng như họ không thể vẽ ra trong đầu tiến trình phát triển của dự án. Cách tiếp cận này thực sự không hiệu quả lắm nếu sử dụng phương pháp Waterfall .

Agile

Không phải là một cách tiếp cận tuyến tính hay tuần tự, Agile sử dụng cách tiếp cận lặp lại và tăng trưởng. Với phương pháp này, thay vì phân nhỏ dự án thành các giai đoạn cần hoàn thành lần lượt, bạn sẽ chia toàn bộ dự án thành các phần khác nhau, được lên kế hoạch, thiết kế và phân phối riêng biệt, sau đó chúng được gắn kết lại để tạo thành sản phẩm cuối cùng.

Biến thể phổ biến nhất của Agile là Scrum, khi đó bạn chia dự án thành nhiều phần riêng biệt, và giao một sprint – phần công việc cần được hoàn thành trong 2-4 tuần – với các sprint hàng ngày để cung cấp những phần khác nhau cho dự án đó.

Agile được sử dụng rộng rãi vì có thể thực hiện rất linh hoạt trong vấn đề thay đổi cũng như khả năng quan tâm, chú ý đến các nhận xét, đề xuất của ​​những bên tham gia như khách hàng, các bên liên quan, nhà phát triển, người dùng cuối …

Ưu điểm của phương pháp Agile:

Thực hiện thay đổi dễ dàng – Bởi vì dự án được chia thành các phần nhỏ, riêng biệt, không phụ thuộc lẫn nhau, nên những thay đổi được thực hiện rất dễ dàng, ở bất kỳ giai đoạn nào của dự án.

Không cần phải nắm mọi thông tin ngay từ đầu – Phương pháp Agile rất phù hợp với những dự án chưa xác định được mục tiêu cuối cùng rõ ràng, vì việc này không quá cần thiết trong giai đoạn đầu. Cùng với tiến trình phát triển của dự án, mục tiêu này sẽ dần được làm rõ và được triển khai một cách dễ dàng hơn.

Bàn giao nhanh hơn – Việc chia nhỏ dự án cho phép bạn tập trung hơn vào chất lượng và bàn giao kịp thời từng phần riêng lẻ. Đội ngũ cũng có thể tiến hành kiểm tra theo từng phần, xác định và sửa chữa vấn đề nhanh hơn, nhờ đó việc bàn giao công việc sẽ nhất quán và thành công hơn.

Chú ý đến phản hồi của khách hàng và người dùng – Cả khách hàng và người dùng cuối đều có cơ hội để đóng góp các ý kiến và phản hồi, từ đó họ sẽ có ảnh hưởng một cách mạnh mẽ và tích cực tới sản phẩm cuối cùng.

Cải tiến liên tục – Agile khuyến khích người dùng, thành viên trong đội ngũ làm việc và khách hàng cung cấp phản hồi của mình, khi đó các giai đoạn khác nhau của sản phẩm cuối có thể được kiểm tra và cải thiện lại nhiều lần nếu cần.

Nhược điểm của phương pháp Agile:

Khó lên kế hoạch – Khá là khó để xác định rõ ràng thời gian bàn giao sản phẩm cuối cùng, vì dự án được chia nhỏ thành các phần khác nhau và mỗi phần lại có thời gian bàn giao riêng biệt. Trên hết, các nhà quản lí dự án thường hay thay đổi thứ tự ưu tiên, dẫn đến việc kế hoạch ban đầu bị rối tung lên và phải bổ sung thêm các sprint vào thời hạn lúc đầu.

Bắt buộc phải hướng dẫn và đào tạo chi tiết – Phương pháp Agile phức tạp hơn nhiều so với phương pháp Waterfall, vì vậy rất khó cho các nhóm có thể hiểu và sử dụng mô hình này thành thục, đặc biệt là vào thời điểm ban đầu. Họ sẽ cần phải trải qua đào tạo, hướng dẫn thì mới có thể nắm được phương pháp một cách rõ ràng.

Ít tài liệu hướng dẫn – Vì Agile thay đổi rất nhiều nên các tài liệu thích hợp cũng thường bị bỏ qua, vì không xác định rõ được kỳ vọng và thành phẩm ngay từ đầu. Mặc dù tài liệu không phải là yếu tố quan trọng nhất, nhưng chúng vẫn rất cần thiết.

Có thể thấy rằng, cả hai phương pháp trên đều có những ưu, nhược điểm riêng của chúng, quan trọng là bạn đang làm việc với loại dự án nào để áp dụng phương pháp cho phù hợp.

Ngày nay, Agile được các nhà quản lí dự án ngày càng được sử dụng rộng rãi, trong hầu hết các dự án, nhưng điều này không hẳn là vì nó vượt trội hơn Waterfall. Mà lý do thực sự là vì hiện nay, trải nghiệm và vai trò của khách hàng rất quan trọng trong hầu hết các sản phẩm, dẫn đến vấn đề là nhiều dự án cần phải được thay đổi linh hoạt trong giai đoạn sản xuất. Điều này buộc các nhà quản lí dự án phải áp dụng phương pháp Alige, đơn giản vì họ lường trước được rằng sẽ có nhiều yêu cầu thay đổi khi dự án diễn ra.

Tạm kết

Bạn nên sử dụng Waterfall cho các dự án mà bạn đã có tất cả tài liệu (từ đầu đến cuối), và không cần phải thay đổi gì khi thực hiện. Bất cứ khi nào bạn phải đối mặt với một dự án chưa có mục tiêu cuối rõ ràng và yêu cầu phải đổi mới liên tục, hãy dùng Agile.

Đọc thêm: So Sánh 2 Phương Pháp Quản Lý Dự Án: Scrum Và Waterfall – Phần 2