ÁP DỤNG MÔ HÌNH 5M HIỆU QUẢ VÀO KẾ HOẠCH TRUYỀN THÔNG CỦA BẠN

Mô hình truyền thông 5M là một công thức phổ biến giúp cho những người làm marketing, đặc biệt là những người làm sự kiện cho doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian, tối ưu hiệu quả cho bản kế hoạch truyền thông với những mục tiêu rõ ràng, ngân sách chi tiết, …

Mô hình 5M được triển khai dựa theo 5 tiêu chí chính: Mission, Money, Media, Messages, Measurement. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Acabiz phân tích chi tiết những nội dung liên quan đến mô hình 5M và áp dụng hiệu quả cho kế hoạch truyền thông của bạn nhé!

1. Mục tiêu (Mission)

Một kế hoạch truyền thông muốn triển khai thành công cần xác định rõ các mục tiêu then chốt mà bạn hay tổ chức của bạn đang muốn đạt được. Từ những mục tiêu cụ thể này, bạn mới có thể định hình cách thức triển khai, các phương tiện quảng cáo hay đo lường ngân sách sẽ sử dụng cho kế hoạch truyền thông.

Để xác định mục tiêu truyền thông, người lập kế hoạch nên vạch ra một số những câu hỏi cụ thể dưới đây và tìm cách trả lời đúng nhất có thể:

– Bạn muốn lan tỏa hình ảnh dịch vụ, sản phẩm, thương hiệu của công ty không?

– Bạn muốn nâng cao tần suất xuất hiện trên các phương tiện truyền thông?

– Bạn muốn tạo ra nhu cầu khách hàng hay xây dựng lòng tin, sự ủng hộ của họ?

– Bạn muốn giải quyết một vấn đề nào đó?

– …

Khai thác và trả lời được càng nhiều câu hỏi là bạn đã giúp cho mình dễ dàng phân tích và liệt kê ra các mục tiêu cụ thể cho kế hoạch truyền thông. Tuy nhiên, để chọn lọc và tập trung các mục tiêu then chốt nhất, thì bạn cần dựa trên cơ sở 5 yếu tố: Cụ thể – Có thể đo lường được – Có thể đạt được – Tập trung vào thời gian. Và 2 yếu tố được xem là quan trọng nhất mà bạn phải xác định được đó là: đo lường và thời gian. Nếu như đảm bảo thực hiện tốt hai yếu tố này thì những yếu tố còn lại mới có khả năng triển khai thành công.

Bước tiếp theo quan trọng trong quá trình xác lập mục tiêu truyền thông đó là bạn cần phân tích thực tiễn để các mục tiêu được xác định mang tính khách quan nhất. Bạn nên cân nhắc xem mình mong muốn sự phản ứng của khách hàng với chương trình truyền thông của bạn như thế nào? Báo chí quan tâm gì đến nội dung bạn đang truyền thông?

Yếu tố cuối cùng mà bài viết muốn nhấn mạnh khi xây dựng mục tiêu truyền thông đó là ấn tượng nào của khách hàng sẽ được lưu lại sau chương trình, sự kiện truyền thông của bạn? Điều này đòi hỏi bản kế hoạch phải đưa ra một thông điệp chính xuyên suốt cho sự kiện. Đồng thời thông điệp này sẽ giúp cho những người đọc kế hoạch sự kiện có thể hiểu rõ hơn những gì bạn đang làm, những kỳ vọng để sự kiện truyền thông đạt hiệu quả tốt nhất.

2. Ngân sách (Money)

Tùy thuộc vào tính chất của sự kiện và các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp để triển khai mà bạn cần tập trung xây dựng ngân sách tổ chức, một yếu tố chính vô cùng quan trọng trong bản kế hoạch truyền thông. Điều bạn cần làm là đưa ra các mức chi phí phù hợp với từng đề xuất hành động trong cả quá trình tổ chức sự kiện, bao gồm cả các việc lường trước các chi phí có thể phát sinh.

Khi đề xuất chi phí lên cấp trên duyệt các phương án truyền thông bạn cần phải thiết lập một kế hoạch tài chính chi tiết đính kèm nội dung kế hoạch truyền thông. Bản kế hoạch tài chính càng chi tiết thì việc đề xuất sẽ càng dễ dàng được thông qua. Và chắc chắn trong nội dung kế hoạch tài chính cần làm rõ các vấn đề liên quan như: ngân sách của bạn đến từ đâu? Nó có phù hợp với dự trù kinh phí tổ chức sự kiện ban đầu? bạn cần tính toán cân đối chi phí như thế nào để ngân sách được duyệt?

3. Phương tiện truyền thông (Media)

Phương tiện quảng cáo là công cụ để bạn đưa nội dung, thông điệp quảng cáo của mình đến với đối tượng khách hàng mà bạn nhắm tới. Chính vì thế, việc cân nhắc lựa chọn các phương tiện quảng cáo phục vụ cho kế hoạch truyền thông phụ thuộc vào nội dung truyền thông của doanh nghiệp bạn.

Xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, giờ đây chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng thông qua các phương tiện truyền thông đa dạng như: quảng cáo trên truyền hình, radio, báo chí, banner ngoài trời (poster), bảng quảng cáo điện tử, email marketing, mạng xã hội internet …

>> Mọi thứ bạn cần để viết một kế hoạch tiếp thị mẫu

>> 4 yếu tố góp phần tạo nên một chiến lược tài chính toàn diện

4. Thông điệp (Messages)

Bạn cần có sự quan tâm đặc biệt khi xác định thông điệp truyền thông xuyên suốt cho sự kiện của mình. Đó là những điều bạn muốn truyền tải đến khách hàng mục tiêu, mong muốn họ hiểu thật rõ ý nghĩa của thông điệp thông qua chiến dịch quảng cáo. Do đó, khi xây dựng thông điệp truyền thông bạn phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí sau:

– Nội dung truyền tải được những gì bạn làm và vì sao bạn làm điều đó

– Truyền tải được những điều tạo ra sự khác biệt

– Thông điệp phù hợp với mục tiêu đặt ra

– Phù hợp với mọi đối tượng mục tiêu

– Làm nổi bật ưu điểm của chiến dịch quảng cáo

– Liệt kê các ví dụ, dẫn chứng cụ thể nếu có để củng cố thông điệp

– Giải thích vì sao khách hàng cần quan tâm đến chiến dịch, sự kiện này?

5. Đo lường hiệu quả truyền thông (Measurement)

Bản kế hoạch truyền thông nào cũng cần phải thực hiện đo lường và đánh giá hiệu quả trong và sau chiến dịch. Quy trình nay giúp cho bạn xác định thông điệp truyền thông mà bạn sử dụng có đang đánh vào đúng đối tượng mong muốn hay không, họ tiếp cận thông điệp đó như thế nào, thông điệp có tác động gì đến nhận thức và quyết định mua bán của khách hàng. Đo lường và đánh giá chi tiết sẽ tạo ra cơ sở quan trọng nhất giúp doanh nghiệp xây dựng các phương án dự phòng để duy trì kế hoạch truyền thông đang triển khai, giải quyết các phát sinh và tìm ra hướng điều chỉnh thích hợp cho các kế hoạch truyền thông tiếp theo.