Bật mí 3 cách cài đặt WordPress trên host an toàn và đơn giản

Bạn vừa mua hosting hay VPS và bạn đang tìm cách để cài đặt WordPress từ đầu? Vậy bạn đã đến đúng nơi rồi đấy! Trong bài viết này, Tino Group sẽ hướng dẫn bạn 3 cách cài đặt WordPress trên host từ A đến Z (các cách cài đặt càng về sau càng dễ thực hiện bạn nhé)!

Cách cài đặt WordPress trên host bằng FTP

Phần mềm cần phải chuẩn bị để cài đặt WordPress thông qua FTP

  • Một phần mềm FTP: Tino Group sẽ chọn phần mềm Filezilla miễn phí để sử dụng nhé! Thao tác tải về và cài đặt khá đơn giản nên Tino Group sẽ không đi vào chi tiết phần hướng dẫn cài đặt và chỉ hướng dẫn từ phần cấu hình để kết nối với host của bạn.
  • Bộ source của WordPress: bạn có thể tải ngay tại trang Download WordPress.org

Sau khi bạn đã tải về và cài đặt xong, chúng ta sẽ đến phần hướng dẫn sử dụng và cài đặt bạn nhé!

Hướng dẫn kết nối Filezilla với host và cài đặt WordPress

Bước 1 tạo mới kết nối

Bạn mở phần mềm Filezilla => File => Site Manager => tại khung My Sites bên trái bạn nhấp vào nút New Site và nhập tên trang web của bạn vào.

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Bước 2: Kết nối với host

Tại khung General bên phải, bạn sẽ cần phải nhập các thông tin sau đây:

  • Host: nhập tên miền hoặc địa chỉ IP.
  • Port: tùy theo nhà cung cấp dịch vụ của bạn hướng dẫn, bạn sẽ nhập theo cổng 80 hoặc 2222. Hoặc bạn có thể thử cả 2 nếu không chắc chắn và bạn cũng bị lạc mất email thông tin.
  • Protocol: bạn có thể chọn phương pháp FTP thông thường hoặc SFTP cũng là FTP nhưng được bảo mật cao hơn.
  • User, Password, là các thông tin đăng nhập FTP do nhà cung cấp hosting của bạn cấp.
  • Logon Type: Tốt nhất bạn cứ chọn Normal là ổn.

Sau khi hoàn tất, bạn sẽ đợi một vài giây hoặc lâu hơn tùy theo đường truyền mạng của bạn. Khi Status có chữ successful, bạn đã kết nối Filezilla với Hosting thành công.

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Trong quá trình thực hiện, nếu bạn đang thực hiện trên máy tính của mình, bạn có thể click chọn vào mục: “Always trust certificate for future sessions” để các lần sau bạn không cần phải đăng nhập lại.

Bước 3: Up và giải nén WordPress

Để thực hiện cài đặt WordPress, tốt nhất, bạn nên tạo 1 file trống trên máy tính, sau đó giải nén file source WordPress về vào trong đó.

Tiếp theo, bạn quay trở lại Filezilla, trong cửa sổ Local site, bạn tìm đường dẫn đến file bạn vừa giải nén bộ cài đặt WordPress => nhấn chọn toàn bộ file => chuột phải => Upload.

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Bạn đừng để sót file nào nhé! Nếu sót, quá trình cài đặt WordPress của bạn sẽ rắc rối lắm đấy! Hoặc, bạn có thể dùng cách khác:

Không giải nén trên máy tính, bạn tải gói cài đặt WordPress lên host của bạn và giải nén. Cách này sẽ an toàn và nhanh hơn nhiều. Nhưng quá trình giải nén trên host sẽ bị phụ thuộc vào tốc độ mạng và độ mạnh host của bạn.

Bật mí 3 cách cài đặt WordPress trên host an toàn và đơn giản 3

ADVERTISEMENT

Vậy là bạn đã xong phần tải lên rồi, phần hướng dẫn cài đặt Tino Group sẽ giải đáp tiếp cho bạn ở trong phần cách cài đặt WordPress trên host bằng cPanel File Manager nhé! Cả 2 cách này có phần setup tương tự nhau và chỉ khác cách tải source WordPress lên.

Cách cài đặt WordPress trên host bằng cPanel File Manager

Một số thứ cần phải chuẩn bị để cài đặt WordPress bằng cPanel File Manager

  • Gói hosting bạn đang sử dụng có đi kèm cPanel. Tùy theo nhà cung cấp, cPanel sẽ miễn phí hoặc trả phí. Tuy nhiên, đa phần bạn sẽ phải trả phí để sử dụng. Nhưng khi bạn sử dụng dịch vụ hosting của Tino Group, bạn sẽ được miễn phí nhé!
  • Bạn cần phải đăng nhập vào cPanel của mình
  • Tải bộ cài WordPress tại Download WordPress.org

Sau khi thực hiện 3 bước trên, chúng ta sẽ tiến đến bước tiếp theo là tải file và cài đặt WordPress.

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Tải File lên cPanel

Trong bảng quản lý cPanel, bạn tìm đến File => File Manager. Tùy theo mỗi nhà cung cấp, giao diện của cPanel sẽ được tùy biến theo nhà cung cấp đó, bạn vẫn có thể an tâm rằng những chức năng chính trong cPanel vẫn giống như nhau.

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Sau vài giây, trình duyệt sẽ nhảy sang giao diện của File Manager, nơi bạn có thể quản lý toàn bộ các file trên website của bạn.

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Để tải source của WordPress lên host, bạn chọn vào Upload trên thanh công cụ. Trang File Upload sẽ nhảy sang một Tab mới, tại đây, bạn chọn source WordPresstải lên.

Bạn có 2 cách để thực hiện:

  • Nhấp vào Select File chọn file trên máy tính => Upload
  • Kéo thả file từ máy tính của bạn vào trình duyệt

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Giải nén WordPress

Sau khi tải lên hoàn tất, bạn quay lại File Manager, nếu bạn vẫn chưa thấy file source WordPress tải lên, bạn chờ thêm một tí và nhấn F5 để tải trang lại. Nếu bạn thấy file đã tải lên rồi, chúng ta sẽ bắt đầu giải nén nhé!

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Để giải nén WordPress, bạn nhấn chuột phải vào file WordPress vừa mới tải lên => chọn vào nút Extract => Extracts Files để tiến hành giải nén.

Đường dẫn đến file nguồn của WordPress thông thường sẽ là /public_html. Nếu bạn muốn cấu hình khác vẫn có thể được.

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Sau khi hoàn tất, bạn sẽ có một thư mục /WordPress trên host.

Bạn có thể xoá bỏ gói cài đặt WordPress để gia tăng dung lượng trống trên host bằng 2 cách:

  • Nhấp chọn vào file source WordPress và nhấn delete trên thanh công cụ
  • Chọn filebấm chuột phải => Delete.

Tiếp theo sẽ là phần kết nối cơ sở dữ liệu với WordPress và phần cài đặt WordPress. Tuy phần này nằm trong cài đặt bằng cPanel File Manager, nhưng từ bước này sẽ thực hiện chung cho cả cách 1 và cách 2 bạn nhé!

Tạo cơ sở dữ liệu cho WordPress

Tiếp theo, bạn sẽ cần phải thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu với WordPress. Phần này sẽ có một chút phức tạp. Nhưng không sao bạn có thể chọn xem video hướng dẫn trực quan hơn nhé!

Nếu bạn vẫn thích đọc blog như mình, bạn tiếp tục thao tác như sau:

Tạo mới cơ sở dữ liệu

Mở lại bảng điều khiển cPanel, tìm đến phần Database => MySQL Database.

Trong MySQL Database, bạn sẽ cần tạo mới cơ sở dữ liệu cho trang WordPress đang cài đặt. Tại Create New Database bạn nhập tên Database => Create Database.

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Sau khi hoàn tất, việc tạo mới cơ sở dữ liệu, chúng ta sẽ tiến hành tạo user cho cơ sở dữ liệu đó.

Tạo User Database

Bạn quay trở lại giao diện MySQL Database, cuộn xuống dưới bạn sẽ thấy phần MySQL Users và tiến hành tạo các thông tin sau:

  • Username: tên người quản trị cơ sở dữ liệu.
  • Password: tạo mật khẩu mới để quản trị cơ sở dữ liệu
  • Password (Again): Nhập lại mật khẩu lần nữa và phải giống với mật khẩu trên.
  • Strength: thanh này thể hiện độ mạnh mật khẩu của bạn.

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Sau khi hoàn tất, bạn nhấn vào Create User là quá trình tạo mới User được hoàn tất.

Tiếp theo để phần quyền cho thành viên này, bạn cuộn xuống phần Add User To Database.

Bạn sẽ cần phải chọn User Database vừa tạo => Add => một bảng phân quyền sẽ hiện ra, để User có toàn quyền chỉnh sửa cơ sở dữ liệu, bạn nên chắc chắn rằng đã click chọn All Privileges => Save Changes.

Hãy chắc chắn rằng bạn đã thực hiện đầy đủ các bước. Nếu không, trang web của bạn sẽ bị lỗi “error establishing a database connection” do cấu hình sai kết nối Database với WordPress.

Cài đặt WordPress

Kết nối WordPress với cơ sở dữ liệu

Sau khi bạn đã hoàn tất kết nối WordPress với cơ sở dữ liệu, bạn truy cập vào tên miền bạn cài đặt WordPress. Nếu trang hiển thị ra như phía dưới là bạn đã thành công rồi đấy!

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Tùy theo phiên bản bạn chọn, WordPress sẽ hiển thị tiếng Việt hoặc tiếng Anh mặc định. Các thông tin bạn sẽ cần phải cài đặt cho file wp-config.php bao gồm:

Tên cơ sở dữ liệu, tài khoản, mật khẩu để quản trị cơ sở dữ liệu, địa chỉ cơ sở dữ liệu và thêm tiền tố bản nếu bạn muốn.

Bạn bấm vào Thực hiện ngay! để bắt đầu quá trình kết nối WordPress với cơ sở dữ liệu bạn nhé!

Tạo tài khoản quản trị trang WordPress

Sau khi hoàn tất, bạn sẽ vào phần tạo tài khoản để quản trị trang WordPress. Các thông tin bạn cần phải có để quản trị trang bao gồm:

  • Tên website
  • Tên đăng nhập để quản trị
  • Mật khẩu tài khoản quản trị trang
  • Email dùng để xác thực và quản trị

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Sau khi nhập hết thông tin, bạn nhấp vào Cài đặt WordPress => trang sẽ đưa bạn đến giao diện đăng nhập vào trang quản trị. Bạn nhập username password vừa tạo vào. Cuối cùng bạn sẽ vào được trang như trong ảnh là thành công nhé!

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Cách cài đặt WordPress trên host bằng Softaculous

Đây là phương pháp đơn giản nhất! Nếu hosting của bạn có hỗ trợ sẵn Softaculous như Tino Group, bạn truy cập vào bảng điều khiển web của Tino Group, sau đó kéo xuống và tìm đến Softaculous Apps Installer => bấm chọn vào WordPress.

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Bạn sẽ được chuyển sang giao diện cài đặt các thông tin cơ bản cho WordPress một cách cực kỳ trực quan!

Các thao tác, thông tin khá phức tạp ở cách 1 và cách 2, bạn sẽ chỉ cần một vài phút để “điền vào chỗ trống”. Sau đó, bạn lần chuột xuống cuối cùng => nhấn vào Install để trang WordPress được cài đặt là xong!

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Kết quả sau khi thực hiện cài đặt như sau:

3-cach-cai-dat-wordpress-tren-host

Bạn chỉ cần đăng nhập vào trang quản trị nữa là xong rồi đấy! Tino Group đã hoàn tất hướng dẫn 3 cách cài đặt WordPress trên host giúp bạn, chúc bạn thành công!

Những câu hỏi thường gặp về cách cài đặt WordPress trên host

Cách fix lỗi “error establishing a database connection” như thế nào?

Đây là lỗi xảy ra khi WordPress không thể kết nối được với cơ sở dữ liệu. Cách giải quyết vấn đề khá đơn giản, bạn chỉ cần bỏ ra ít phút để kiểm tra xác định nguyên nhân và sửa lỗi theo bài viết 5 cách fix lỗi “error establishing a database connection” hiệu quả bạn nhé!

Có những phần mềm FTP miễn phí nào khác?

Ngoài phần mềm FTP Filezilla ra, bạn có thể tham khảo thêm rất nhiều phần mềm khác với từ khóa “FTP software” trên Google. Hoặc bạn có thể xem qua các phần mềm như:

  • WinSCP miễn phí cho hệ điều hành Window.
  • Cyberduck là phần mềm FTP miễn phí cho hệ điều hành MacOS.

Làm sao để chỉnh sửa file wp-config.php?

File wp-config.php làm một trong những file quan trọng nhất của WordPress liên kết giữa WordPress và cơ sở dữ liệu. Trong trường hợp không cần thiết, tốt nhất bạn không nên thực hiện chỉnh sửa file wp-config.php.

Nếu bạn cần phải chỉnh sửa gì đó trong file wp-config.php, bạn nên tìm hiểu thêm về wp-config.php là gì, wp-config.php ở đâu, cách tìm wp-config.php ra sao và nội dung cơ bản trong file wp-config.php nhé.

Hướng dẫn cài đặt WordPress Multisite mới nhất ở đâu?

Thay vì phải mua nhiều hosting, nhiều tên miền khác nhau để tạo nhiều trang web, bạn có thể sử dụng WordPress Multisite để tạo nhiều website trên chính trang WordPress gốc của mình với 1 hosting duy nhất đấy! bạn tham khảo ngay bài viết chi tiết về WordPress Multisite là gì? Hướng dẫn sử dụng mới nhất để cài đặt ngay và tối ưu hóa chi phí nhất nhé!

CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN TINO

  • Trụ sở chính: L17-11, Tầng 17, Tòa nhà Vincom Center, Số 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
    Văn phòng đại diện: 42 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 0364 333 333
    Tổng đài miễn phí: 1800 6734
  • Email: [email protected]
  • Website: www.tino.org

5/5 – (1 bình chọn)