Làm Thế Nào Để Trả Lời Câu Hỏi: Điểm Yếu Của Bạn Là Gì?

“Bài viết sau đây được dịch từ chia sẻ của Pamela Skillings, một tác giả có sách bán chạy nhất, một bậc thầy về phỏng vấn và là người đồng sáng tạo ra Big Interview – một phần mềm hữu hiệu liên quan đến đào tạo về phỏng vấn việc làm trên trang biginterview.com”

Trong một cuộc phỏng vấn, thật khó để nói về những yếu điểm và khiếm khuyết của bạn. Vì thế, chúng tôi có mặt ở đây để khiến điều đó trở nên dễ dàng hơn.

Hôm nay, tôi sẽ bàn luận về một trong những câu hỏi phỏng vấn thường gặp và dễ gây khó chịu nhất: Điểm yếu của bạn là gì?

Chắc hẳn là bạn đang cảm thấy ngạc nhiên lắm đúng không? Hầu hết các ứng viên đều ghét câu hỏi này và cảm thấy nó vô nghĩa bởi thông thường không ai có ý định thừa nhận về những khuyết điểm của mình ngay giữa một cuộc phỏng vấn việc làm cả.

Câu hỏi này mặt khác cũng trở nên sáo rỗng vì một lý do. Những người phỏng vấn, dẫu biết rằng họ sẽ không thể nào nhận được những câu trả lời thành thật 100%, vẫn tiếp tục sử dụng câu hỏi này.

Tại sao vậy? Vì cách thức mà bạn trả lời câu hỏi về yếu điểm của mình có thể nói lên nhiều điều. Ngay cả bản thân bạn thậm chí cũng không nhận ra những gì mà mình thể hiện thông qua việc trả lời câu hỏi.

Và, hãy tập đối diện với nó đi vì có thể bạn đang làm mọi thứ sai hết cả. Phần lớn mọi người đều như thế. Ở đây, tôi đang nói với tư cách của một huấn luyện viên chuyên về phỏng vấn đã làm việc với hàng ngàn người có nhu cầu tìm việc làm. Ít nhất 90% trong số họ cần tới sự giúp đỡ để có thể trả lời câu hỏi liên quan tới yếu điểm của mình.

Dưới đây là những sai lầm mà họ thường mắc phải (bạn có thể liên hệ với chúng):

1. Cố gắng khiến cho yếu điểm của mình trở nên tích cực

Bạn sẽ tìm thấy nhiều cuốn sách hay bài viết khuyên bạn phải biết “biến mọi thứ từ hướng tiêu cực sang tích cực “ bằng cách chia sẻ một điểm yếu mà thực ra lại là một phẩm chất cần có ở một nhân viên. Một số ví dụ như:

  • Tôi là một người quá cầu toàn.

  • Đôi khi tôi làm việc quá chăm chỉ

  • Tôi quan tâm quá nhiều đến công việc của mình.

Quả là một ý tưởng thông minh. Nhưng ở thời điểm hiện nay, đây chỉ là một thủ thuật cũ mà tất cả những người phỏng vấn đều đã quá rõ. Họ đã chứng kiến quá nhiều người cùng ca những bài ca tương tự nhau như thế. Trên thực tế, phương pháp này lại khiến cho người phỏng vấn nghĩ rằng bạn đang cố che giấu điều gì đó.

2. Từ chối trả lời câu hỏi

Một số ứng viên sẽ khẳng định chắc chắn rằng họ không thể nghĩ được bất kỳ điểm yếu nào cả. Điều này có lẽ là vì họ chưa chuẩn bị kỹ càng nên cảm thấy hồi hộp và sợ nói ra điều gì không đúng. Cách trả lời này cũng khiến bạn trông như thể đang che giấu điều gì đó.

3. Tiết lộ một điểm yếu gây bất lợi

Một sai lầm khác chính là bạn quá thành thật nên đã thừa nhận về một điểm yếu sẽ cản trở bạn hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Một khách hàng của tôi đã trả lời như thế này: “Vào buổi sáng, tôi thường gặp rắc rối khi phải thức dậy và đi làm đúng giờ”. Điểm yếu thực sự của anh ấy ở đây đó là anh ấy quá thật thà.

Bạn hãy đọc tiếp phần sau của bài viết để nhận được những lời khuyên của chúng tôi về cách tránh những sai lầm này và nói về những điểm yếu của bạn một cách vừa trung thực vừa khôn ngoan.

Những câu hỏi phỏng vấn về điểm yếu:

Dưới đây là một số câu hỏi khác nhau về điểm yếu thường xuất hiện trong các bài phỏng vấn việc làm:

  • Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?

      Đây có lẽ là cách diễn đạt thông thường nhất.

  • Một số yếu điểm của bạn là gì?

      Trong trường hợp này bạn được yêu cầu trả lời về nhiều hơn là một điểm yếu của mình. Người phỏng vấn biết rõ là bạn đã chuẩn bị trước về một điểm yếu của mình cho nên muốn đòi hỏi ở bạn nhiều hơn thế.

  • Những ưu, nhược điểm của bạn là gì?

      Một số người phỏng vấn sẽ yêu cầu bạn tóm tắt cả những điểm mạnh và điểm yếu trong cùng một câu trả lời.

  • Giả sử tôi gọi điện cho quản lý hiện tại/ trước đây của bạn thì họ sẽ nói rằng bạn cần cải thiện cái gì?

      Cách diễn đạt này khá là hóc búa. Bằng cách đề ra ý tưởng gọi điện cho quản lý hiện tại/ trước đây của bạn, người phỏng vấn đang cố gắng khơi gợi sự thành thật của bạn nhiều hơn (một số ứng viên ngay lập tức sẽ bắt đầu nghĩ rằng: “Điều gì sẽ xảy ra nếu đó là sự thực?)

  • Hãy nói cho tôi nghe về một mục tiêu phát triển mà bạn đã đề ra.

     Câu hỏi này nhắm vào yếu điểm của bạn, nhưng cũng nhấn mạnh khả năng chủ động đặt ra mục tiêu phát triển của bạn.

  • Nếu bạn có thể thay đổi một điều về bản thân mình thì đó sẽ là gì?

     Đây là một kiểu diễn đạt khác – một lần nữa hỏi về khuyết điểm lớn nhất của bạn, hay ít nhất là điều mà bạn cảm thấy hạn chế nhất về mình.

  • Bạn muốn cải thiện điều gì nhất trong năm tới?

     Cách diễn đạt này tiếp cận theo một hướng tích cực hơn, nhưng vẫn là một câu hỏi liên quan tới điểm yếu.

Những câu hỏi phụ liên quan đến yếu điểm

Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn sàng cho những câu hỏi phụ hay câu hỏi thăm dò, đặc biệt là nếu câu trả lời ban đầu của bạn về điểm yếu của mình còn mơ hồ và thiếu thuyết phục.

  • Nhưng điểm yếu đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến bạn như thế nào?

     Bạn sẽ thường nghe thấy câu hỏi phụ này nếu như bạn chưa mô tả được điểm yếu thực sự của mình (hãy xem lại phần “cố gắng khiến cho yếu điểm của mình trở nên tích cực” ở trên)

  • Vậy thì điểm yếu THỰC SỰ của bạn là gì?

     Đây là một câu hỏi phụ chĩa thẳng vào chính bạn khi người phỏng vấn cảm thấy nghi ngờ về câu trả lời của bạn trước đó

  • Bạn có thể chia sẻ về một điểm yếu khác hay một điểm cần phát triển hơn nữa không?

     Một người phỏng vấn khó tính có thể yêu cầu bạn nêu ra nhiều điểm yếu, đăc biệt là nếu đặc điểm đầu tiên được đưa ra nghe có vẻ giả tạo và rập khuôn. Một sô người phỏng vấn đơn giản biết rằng các ứng viên thường chuẩn bị về một điểm yếu của mình mà thôi nên họ muốn xem các ứng viên ứng đáp ngay tại chỗ như thế nào.

Với Big Interview, hệ thống đào tạo hoàn thiện về phỏng vấn xin việc của chúng tôi, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những clip bài giảng, câu trả lời mẫu và môt công cụ luyện tập có tính tương tác dành cho những phiên bản khác nhau của câu hỏi “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?” Hãy xem đoạn clip ngắn dưới đây để hiểu thêm về Big Interview, và nhấn vào đây để tìm hiểu hệ thống mà chúng tôi đã phát triển về quá trình chuẩn bị trước khi phỏng vấn.

Tại sao những người phỏng vấn lại hỏi về điểm yếu lớn nhất của bạn

Vậy thì tại sao những người phỏng vấn lại hỏi về điểm yếu của bạn khi họ biết rằng hầu hết các ứng viên đều không trả lời thành thật?

Đó là bởi vì họ đang cố gắng bỏ qua vẻ bề ngoài đẹp đẽ của bài phỏng vấn của bạn để thực sự hiểu rõ bạn sẽ là người đồng nghiệp như thế nào – người tốt, kẻ xấu hay cực kỳ xấu xí.

Thậm chí nếu như bạn không trả lời thành thật, câu trả lời của bạn vẫn nói lên phần nào về con người bạn. Nếu bạn né tránh câu hỏi hay nỗ lực giả tạo, người phỏng vấn sẽ thắc mắc liệu:

1) Bạn có những điểm yếu bí mật thật đáng sợ mà bạn không muốn bàn luận đến

2) Bạn cho rằng mình thật hoàn hảo vì bạn không tự nhận thức được về bản thân

3) Bạn nghĩ mình hoàn hảo bởi vì những tiêu chuẩn của bạn rất thấp

4) Bạn là “bậc thầy” lừa bịp. (điều này có vẻ ổn nếu bạn làm trong lĩnh vực chính trị hay quan hệ công chúng)

Tôi đã chứng kiến nhiều ứng viên triển vọng mắc lỗi với những câu hỏi liên quan tới yếu điểm như thế này. Thật khó để nói về những khuyết điểm của bạn trong một  tình huống căng thẳng như buổi phỏng vấn việc làm. Những chủ đề tiêu cực đòi hỏi cả khả năng ngoại giao (Hãy xem phần: Answering behavioral questions about failure).

Cùng lúc đó, bạn còn phải lo lắng, để tâm đến 1000 vấn đề khác (Tóc của mình liệu có bết không? Hơi thở của mình có ổn không? Tại sao ông ấy lại cau mày như vậy? Mình nên nói gì khi ông ấy hỏi tại sao mình từ bỏ công việc trước đây? Làm thế nào để mình nhớ được ví dụ về hoạt động nhóm ấy? Liệu ông ấy có biết mình đang đổ mồ hôi không?)

Tuy nhiên, vẫn có một cách để trả lời câu hỏi một cách thành thực mà vẫn có thể nâng cao tỷ lệ được nhận vào làm việc của bạn.

Làm thế nào để trả lời câu hỏi: Điểm yếu của bạn là gì?

(và những câu hỏi phỏng vấn khác về yếu điểm của bạn)

Một câu trả lời hay có hai phần quan trọng sau:

Phần 1) Điểm yếu của bạn

Hãy mô tả một cách ngắn gọn điểm yếu thực sự nhưng không gây ra bất lợi trong công việc của bạn (hãy đọc tiếp để biết cách làm thế nào để chọn ra một yếu điểm “tốt”)

Phần 2) Bạn đã và đang cải thiện nó ra sao

Phần 2 là thành tố rất then chốt. Hãy bàn về những nỗ lực của bạn trong việc chủ động cải thiện bản thân. Điều này chứng tỏ bạn hiểu rõ về bản thân, có động lực để cố gắng hết sức mình, và rằng yếu điểm đó sẽ không gây trở ngại cho bạn.

Phần 1: Làm thế nào để chọn ra một điểm yếu “tốt”

  • Hãy chọn thật chính xác.

     Đừng chọn lấy 1 điểm yếu đơn thuần chỉ vì nó nghe có vẻ ổn. Bạn sẽ gây được ấn tượng tốt hơn với sự chân thành của mình. Điều đó không có nghĩa là bạn phải chia sẻ về điểm yếu khiến bạn trở nên tồi tệ trong mắt người khác. Cũng giống như hầu hết những người khác, bạn sẽ có vài nhược điểm và ít nhất là một trong số đó có thể được coi là phù hợp để nhắc đến trong khi phỏng vấn, sẽ được xác định dựa theo một số hướng dẫn bổ sung dưới đây

  • Hãy chọn ra yếu điểm mà công việc hiện tại có thể chấp nhận được.

     Hãy chú ý tới những yêu cầu của công việc mà bạn chọn và đừng trích dẫn một điểm yếu có liên quan đến bất kỳ kỹ năng hay phẩm chất cần có cho công việc ấy. Nếu bạn là kế toán, đừng đả động đến việc bạn ghét môn toán hay thiếu chú ý đến chi tiết. Nếu bạn làm về lĩnh vực bán hàng, đừng thú nhận rằng bạn quá dè dặt hay thiếu kiên trì.

  • Hãy chọn một điểm yếu tương đối nhỏ và “có thể sửa được”

     “có thể sửa được” ở đây muốn ám chỉ những điều mà bạn có thể cải thiện thông qua quá trình làm việc và nhờ có động lực.

Ví dụ:

“có thể sửa được“: “Tôi trở nên lo lắng khi nói chuyện trước những đám đông”

(Bạn có thể trở nên tốt hơn nhờ có sự luyện tập và tiếp thu những kỹ năng mới – và đây là một đặc điểm thường dễ thay đổi)

Khó sửa hơn: “Tôi rất nhút nhát và thường gặp khó khăn khi lên tiếng trong những cuộc họp”

(Dù việc là người nhút nhát hoàn toàn bình thường, người phỏng vấn có thể cho rằng ứng viên này sẽ dễ gặp khó khăn suốt quá trình hợp tác trong môi trường làm việc nhóm. Đây chính là một phẩm chất của cá nhân, sẽ khó để thay đổi hơn)

  • Hãy mô tả yếu điểm của bạn thật ngắn gọn và trung lập.

     Đừng ép bản thân phải trả lời thật chi tiết. Hãy trình bày ngắn gọn và quan trọng nhất là tránh tỏ ra quá tiêu cực hay bảo thủ.

Phần cuối bài viết sẽ đưa ra những ví dụ về những điểm yếu “tốt” được mô tả trong các cuộc phỏng vấn việc làm.

Phần 2: Làm thế nào để chứng minh rằng bạn đang cải thiện khuyết điểm của mình

Ở phần thứ 2 của câu trả lời, bạn cần phải mô tả bạn đã làm như thế nào để có thể cải thiện điểm yếu của mình. Dưới đây là lý do tại sao lại thế:

1) Một ứng viên triển vọng luộn tìm cách học hỏi và phát triển

2) Một ứng viên tuyệt vời sẽ là người tiên phong trong việc hoàn thiện mình

Hãy tận dụng câu trả lời của bạn để thể hiện động lực cố gắng hết mình trong công việc. Đó là cách để bạn làm nổi bật mặt tích cực của mình trong khi nói về những nhược điểm của bản thân.

Những ví dụ về cách trả lời hay cho câu hỏi “Yếu điểm lớn nhất của bạn là gì?”

Ví dụ 1: Sự ủy thác

“Tôi nghĩ rằng một vấn đề mà tôi cần cải thiện đó là kỹ năng ủy thác của mình. Tôi luôn quá quan tâm đến chuyện hoàn thành mọi việc thật tốt và đúng giờ đến nỗi mà tôi cảm thấy thật bế tắc với chính tư tưởng của bản thân rằng “Nếu bạn muốn công việc được hoàn thành thật tốt, hãy tự làm lấy”. Nhưng thật không may, không phải lúc nào cũng được như vậy và tôi đã nhận ra rằng tôi có thể làm cho mọi việc trở nên trì trệ nếu một mình kiểm soát quá nhiều.

Tôi đã học được điều này gần đây, khi được trao cơ hội quản lý thưc tập sinh mùa hè của bộ phận. Trước đây tôi chưa bao giờ quản lý thông qua những bài báo cáo trực tiếp nên đây là một trải nghiệm mang tính giáo dục cho tôi theo nhiều cách khác nhau. Nó đã dạy tôi làm thế nào để ủy quyền cho người khác và cấp trên có thể nhận thấy sự khác biệt trong phong cách quản lý của tôi vào cuối mùa hè. Tôi biết rằng nếu cải thiện được điều này thì sẽ rất có lợi cho bản thân nên đã đăng ký tham gia một khóa huấn luyện kỹ năng quản lý và tôi đang tìm kiếm những cơ hội để được quản lý dự án cho nhóm trong công ty chúng ta.”

Tại sao câu trả lời này lại có hiệu quả: Đây là một ví dụ tuyệt vời dành cho một nhân viên cấp thấp làm việc trong một vị trí mà khả năng ủy quyền không thực sự quan trọng. Hãy lưu ý rằng câu nói cuối của đoạn đầu quan trọng bởi nó chứng tỏ yếu điểm này có thể là một vấn đề cần phải khắc phục.

Yếu điểm ở trên đã được đề cập và mô tả rõ ràng, nhưng ứng viên lại đi sâu hơn khi nói về cách bản thân đã tìm cách khắc phục nó.

Hãy ghi nhớ rằng đây chưa chắc đã là câu trả lời phù hợp nếu bạn đang tìm một công việc yêu cầu quản lý nhân sự.

Ví dụ 2: Quá thẳng thắn

“Đôi lúc tôi trở nên quá thẳng thắn khi đưa ra những nhận xét về đồng nghiệp của mình. Tính tôi vốn thẳng như vậy và hầu hết đồng nghiệp của tôi đều tôn trọng điều đó, nhưng tôi đã học được rằng nhiều lúc trong công việc cũng cần để ý đến yếu tố ngoại giao. Tôi đã tham gia một lớp huấn luyện về giải quyết xung đột và nó thực sự đã khai sáng cho tôi về nhu cầu giao tiếp khác nhau dành cho những đối tượng khác nhau. Vì thế hiện nay tôi đã có thể đưa ra những lời nhận xét mang tính xây dựng hơn, dù cho đôi lúc nó vẫn không được tự nhiên lắm.”

Tại sao câu trả lời này lại có hiệu quả: Nhược điểm này đã được mô tả khá tốt. Ứng viên đã chỉ ra rằng tại sao sự thẳng thắn của mình có thể trở thành yếu điểm và cũng làm rõ rằng anh ta cũng không phải là kẻ tồi đối với các đồng nghiệp. Ở phần 2, anh ấy đã kể về những bước đi cụ thể của mình và bản thân đã cải thiện ra sao.

Ví dụ 3: Nói chuyện trước công chúng

“Thành thật mà nói, tôi nghĩ là mình nên cải thiện kỹ năng nói chuyện trước công chúng. Khi được yêu cầu thuyết trình trước đám đông, tôi có xu hưởng trở nên lo lắng. Trong những cuộc họp nhóm nhỏ, tôi sẽ là người đầu tiên đứng lên và thuyết trình. Nhưng khi bị đặt vào một nhóm lớn hơn, tôi sẽ cảm thấy bối rối.

Thực ra tôi đã nói chuyện với quản lý của mình về điều này và chúng tôi đã đặt nó làm mục tiêu phát triển của năm nay. Tôi đã tham gia một lớp học nội bộ về kỹ năng thuyết trình và dự một số cuộc gặp mặt của Toastmasters, một mạng lưới những người có mong muốn thực hành nói chuyện trước công chúng. Sau khi thực hành một vài lần, tôi bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn. Tháng vừa qua, tôi thậm chí đã tình nguyện đứng lên đại diện cho nhóm tôi tại tòa thị chính. Tôi chỉ phải thuyết trình trong 10 phút nhưng tôi đã hoàn thành nó và nhận được những phản hồi tích cực! Tôi thực sự cảm thấy vui vẻ nên dự định sẽ tiếp tục tìm cơ hội để được cải thiện kỹ năng này.”

Tại sao câu trả lời này lại có hiệu quả: Nỗi sợ khi nói chuyện trước công chúng là một nỗi sợ rất bình thường. Trong câu trả lời mẫu này, ứng viên nói rõ rằng cô ấy không gặp khó khăn trong việc giao tiếp thông thường. Cô ấy chỉ cảm thấy sợ hãi khi phải đứng trước một nhóm đông người.

Cô ấy tiếp tục mô tả cách cô ấy nhận ra khuyết điểm của mình, trò chuyện với quản lý về điều này, sau đó chủ động khắc phục. Thậm chí cô ấy cuối cùng đã đạt được một chút thành công.

Ví dụ 4: Sự thiếu kiên nhẫn

https://youtu.be/IxKTOcQv5l0

Đọc thêm: 

————————

Tác giả: Pamela Skillings

Link bài gốc: Tại đây

Dịch giả: Trang Nhung – YBOX.VN Translator 

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Dịch Giả: Trang Nhung – Nguồn: YBOX.VN“. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ:”Theo Ybox” hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Trở thành dịch giả trên YBOX.VN, xem chi tiết tại đây: http://bit.ly/yboxtranslateteam

—————————-

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí – Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

17,550 lượt xem