Luật hấp dẫn là gì? Làm thế nào để thu hút luật hấp dẫn?

Vita-0202

Tốt nhất là không nên tin tưởng tuyệt đối vào luật hấp dẫn vì luật hấp dẫn chỉ là giả khoa học mà thôi. Ngoài ra, nó có hại nhiều hơn bạn nghĩ đó.

Luật hấp dẫn là gì? Luật hấp dẫn bắt nguồn từ đâu?

Quan trọng nhất, bạn đừng nhầm lẫn giữa “định luật vạn vật hấp dẫn” (Issac Newton) và “luật hấp dẫn” (Rhonda Byrne). Rhonda Byrne đã “phát hiện” ra thứ mà bà gọi là “suy nghĩ tích cực”, và “bí mật luật hấp dẫn”. Về căn bản luật hấp dẫn cho rằng suy nghĩ tích cực hoặc tiêu cực sẽ thu hút và đem đến những thứ tích cực hoặc tiêu cực tương ứng vào cuộc sống của bạn. Nói cách khác, bất cứ thứ gì bạn tập trung vào sẽ là những thứ bạn có được.

Sau khi cha của Rhonda Byrne mất, bà bị trầm cảm nặng và có đọc qua quyển The Science of Getting Rich (Khoa học làm giàu), từ đó nhảy vào “nghiên cứu” suy nghĩ tích cực, luật hấp dẫn thông qua các sách khác. Nói một chút về lý lịch trích ngang của Rhonda, trước biến cố này, bà là một nhà sản xuất chương trình truyền hình và không có bất kỳ bằng cấp hay trình độ học vấn gì về tâm lý hay vật lý học.

Luật hấp dẫn đúng hay sai?

Như đã nói ở trên, mình coi luật hấp dẫn là giả khoa học vì nó cố gắng sử dụng các bằng chứng khoa học theo một cách lấp liếm, hiểu và phân tích sai về các khái niệm khoa học. Trời mẹ ơi, suy nghĩ xíu đi! Ví dụ bạn muốn giảm 3kg. Giữa việc bạn nghĩ ngồi một chỗ, tập trung vào việc bạn giảm 3kg, rồi viết thậm chí vẽ nó ra rồi suy nghĩ tích cực các kiểu so với bóp cái mồm của bạn trong lúc ăn lại và xách đít lên đi gym thì cái nào giúp bạn giảm cân nhanh hơn? Thay vì ngồi nghĩ ngợi thì đi tập gym đi…

Rhonda cho rằng:

Luật hấp dẫn là luật tạo hóa. Vật lý lượng tử cho chúng ta biết rằng vũ trụ khởi nguồn từ suy nghĩ!

The law of attraction is the law of creation. Quantum physicists tell us that the entire Universe emerged from thought!

Trong cuốn Knocking on Heaven’s Door của mình, Lisa Randall (một tiến sĩ vật lý học tại Harvard) cho rằng việc Rhonda nói rằng mình chưa học gì về vật lý mà có thể đọc và hiểu hoàn toàn các sách vật lý lượng tử là một điều “ghê gớm”. Lisa đã phản bác lại Rhonda rằng:

Không, bà có hiểu đâu. Cơ học lượng tử hoạt động ở mức độ quả nhỏ để suy nghĩ hay “linh hồn” của chúng có thể tạo ra năng lượng với bất kỳ tính chất vật lý nào.

No you didn’t. Quantum mechanics works on a scale to small for our thoughts or “soul” to create energy with physical properties.

Những gì mà luật hấp dẫn nói đến không quá mới, nó được các tác giả hay triết gia khác nói đến từ hơn 100 năm trước. Điển hình như Napoleon Hill trong Think and Grow Rich (Nghĩ giàu làm giàu), Norman Vicent Peale trong cuốn The Power of Positive Thinking (Sức mạnh của suy nghĩ tích cực)… tất cả đều có nguồn gốc từ trường phái New Thought. Một trong bốn đức tin chính của trường phái này:

Trạng thái tinh thần của chúng ta sẽ được chuyển sang rồi biểu hiện ra ngoài, và trở thành kinh nghiệm của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.

Điểm chung của lối suy nghĩ này là họ cho rằng: chúng ta có thể làm chủ suy nghĩ, suy nghĩ tích cực, tập trung vào mục tiêu, không nghi ngờ bản thân, phớt lờ các chỉ trích, cố gắn hình dung mục tiêu của bạn thập kỹ và dần dần bạn sẽ đạt được nó. Nhưng bạn ơi, làm gì mà có chuyện bạn kiểm soát được suy nghĩ bản thân. Ví dụ nổi tiếng nhất cho vấn đề này thì chắc ai cũng biết: bạn thử đừng suy nghĩ về con chó nhé 😉. Dĩ nhiên thứ đầu tiên hiện lên trong não bạn là hình ảnh hoặc kỷ niệm về một con chó. Bạn càng cố gắng không suy nghĩ về một thứ gì, thì bạn càng nghĩ về nó nhiều hơn mà thôi 🙁

Vì sao nhiều người tin vào luật hấp dẫn đến thế?

Đơn giản thôi, vì thực hành luật hấp dẫn chính là thực hành hái anh đào (lập luận lấp liếm), và thiên kiến xác nhận. Ai trong chúng ta cũng đều vướng phải thiên kiến xác nhận, chỉ rằng chúng ta ít khi để tâm đến nó mà thôi. Ví dụ như mỗi ngày bạn ra đường đều thấy xe hơi, rất nhiều loại khác nhau. Rồi một ngày đẹp trời, bạn quyết định mua xe hơi, sau đó bỗng nhiên bạn ra đường và nhận thấy có rất nhiều xe hơi ở VN và rất nhiều người chạy mẫu xe mà bạn muốn mua. Nhưng sự thật không phải là thế, bạn nghĩ có nhiều xe chỉ đơn giản vì bạn để ý đến chúng hay mẫu xe đó nhiều hơn mà thôi.
Luật hấp dẫn cũng tương tự, nó khuyên bạn chỉ nên tập trung vào những suy nghĩ tích cực và những thứ bạn muốn đạt được, nên dĩ nhiên khi bạn bắt đầu có được những thứ đó (dù chỉ là phần nhỏ nhất) bạn sẽ nghĩ rằng đó là do luật hấp dẫn. Nhưng thật ra nó chính là do cố gắng và công sức bản thân bạn thực sự bỏ ra mà thôi. Không thể nào có chuyện bạn bị ung thư giai đoạn cuối; bạn chỉ cần ngồi ở nhà tập trung suy nghĩ cật lực rằng bạn sẽ hết ung thư và không trị bệnh, rồi sau đó bạn hết ung thư được. Hoặc chỉ cần suy nghĩ về chiếc Lamborghini mà bạn ao ước, rồi không cần đi làm cũng có chiếc Lambo rơi trước cửa nhà bạn 🤣

Vậy luật hấp dẫn có hại thế nào? Suy nghĩ tích cực mà cũng có hại sao?

Dĩ nhiên suy nghĩ tích cực thôi thì không có hại. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ luật hấp dẫn kêu gọi bạn làm những thứ không thể (đừng suy nghĩ về các thứ tiêu cực), và nó dụ dỗ bạn trải nghiệm thiên kiến xác nhận, bỏ ngang tai những lời khuyên, chỉ trích mà chỉ chăm chăm tập trung vào mục tiêu của bạn. Điều này có thể có tác hại vô cùng.

Ví dụ như bạn là một nhà khoa học đang nghiên cứu tìm ra vaccine hay thuốc trị Covid. Bạn áp dụng luật hấp dẫn, suốt ngày chỉ suy nghĩ về sự thành công và các kết quả tốt. Bạn chế ra được mẻ thuốc đầu tiên, đem nó đi thử nghiệm trên 10 con chuột: 2 con cho dấu hiệu thuốc có tác dụng, nhưng 8 con kia lăng ra chết cmnl. Nhưng bạn chỉ tập trung vào 2 kết quả tích cực đó và tiếp tục phát triển theo hướng đó. Bạn nghĩ đó có phải là hướng đi tốt không? Một ví dụ khác, thay vì học bài cho bài kiểm tra sắp tới, bạn chỉ ngồi và suy nghĩ rằng bạn sẽ có điểm cao. Trời xui đất khiến, giáo viên cho đề không thể nào dễ hơn, và bạn cùng cả lớp đạt điểm cao. Rồi từ đó về sau bạn méo thèm học bài nữa. Mà chỉ suy nghĩ về điểm 10 là đủ. Bạn có chắc chuyện này về lâu dài sẽ ok không?

Nó có thể khiến bạn trở thành một kẻ tự phụ, lười biếng, hoặc thậm chí là phản ứng rất tiêu cực với các lời khuyên chân thành, mang tính xây dựng theo một số nghiên cứu. Các loại suy nghĩ như thế này chỉ như là một liều thuốc kích thích, hay giảm đau làm cho bớt sướng và giải tỏa tạm thời mà thôi. Chúng không hề có bất kỳ tác dụng nào lên vấn đề bạn đang thật sự phải đối diện.

nguồn: NNDB , Newthought.info, Mark Manson

p/s: dĩ nhiên suy nghĩ tích cực cũng có lợi ích của nó. Nhưng nó không giải quyết được tất cả nên đừng lạm dụng nó và nghĩ nó là lời giải cho mọi thứ.