Photoshop là gì? Hiểu biết cơ bản về Photoshop – Technology Diver

Photoshop là gì? Hiểu biết cơ bản về Photoshop – Cuongquach.com | Adobe Photoshop là phần mềm chỉnh sửa hình ảnh phổ biến nhất hiện nay, phù hợp với cả người dùng chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư. Bạn có thể tự do sáng tạo không giới hạn với bộ công cụ và hiệu ứng đa dạng của Photoshop.

photoshop-la-gi

1. Lịch sử của Photoshop

Lịch sử của Photoshop

Adobe Photoshop được phát triển lần đầu tiên vào năm 1987 bởi hai anh em nhà Knoll. Đến năm 1995, Adobe Systems chính thức mua lại “sản phẩm trí tuệ này”. Tên gọi Adobe Photoshop cũng bắt đầu được sử dụng từ đó.

Đến nay, Adobe Photoshop đã nhiều lần được nâng cấp qua các phiên bản khác nhau. Sau mỗi lần cập nhật, khả năng chỉnh ảnh lại càng mạnh mẽ với nhiều tính năng bổ sung hơn. Cũng vì vậy mà Adobe Photoshop nhanh chóng được giới chuyên gia sáng tạo đánh giá cao.

2. Sức mạnh của Photoshop

Adobe Photoshop là cánh tay đắc lực của các nhà sáng tạo, có vai trò đảm nhiệm gần như toàn bộ công đoạn “hậu kỳ” của một bức ảnh, từ chỉnh sửa, thay đổi bố cục đến chèn hiệu ứng. Ngoài ra, các designer cũng có thể thiết kế sản phẩm đồ họa hoặc website bằng Photoshop, sau đó chuyển cho developer tiếp tục lập trình để tạo ra sản phẩm cuối.

3. Các định dạng ảnh trong Photoshop

Adobe Photoshop có thể lưu và xuất hình ảnh ở nhiều định dạng dùng cho các mục đích khác nhau:

  • Ảnh “nhẹ” để tăng tốc cho website.
  • Ảnh chất lượng cao cho các tác phẩm 3D.
  • Ảnh pixel hoặc ảnh pixel + vectơ.
  • Các định dạng ảnh mà Photoshop có thể mở hoặc lưu bao gồm: PSD, TIFF, RAW, PDF, GIF, PNG, JPEG và Cineon.

4. Các phần mềm Photoshop phổ biến

  • Adobe Photoshop Elements

Adobe Photoshop Elements

Adobe Photoshop Elements được tạo ra từ ý tưởng kết hợp giữa sức mạnh của Adobe Photoshop và sự đơn giản. Bạn có thể tìm thấy các tính năng mạnh mẽ của Photoshop CC trong Photoshop Elements nhưng dễ sử dụng hơn nhiều.

  • Photoshop Lightroom

Photoshop Lightroom

Lightroom được Adobe giới thiệu như một công cụ hoàn toàn mới dành cho cả người dùng nghiệp dư và chuyên nghiệp. Chức năng tiêu biểu nhất của Lightroom là quản lý và chỉnh sửa hàng loạt mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng ảnh gốc. Ngoài ra, Lightroom còn có ​​khả năng chỉnh sửa các file RAW.

Tuy Lightroom có ưu thế xử lý ảnh trong giai đoạn đầu (chuyển đổi màu, cân bằng trắng, độ phơi sáng,…) nhưng bạn vẫn sẽ cần Photoshop nếu muốn can thiệp sâu hơn vào một bức ảnh.

  • Photoshop CS

Photoshop CS

Bộ phần mềm Adobe Creative Suite ra mắt lần đầu vào tháng 10/2003 với phiên bản đầu tiên – Photoshop CS. Trong suốt 9 năm phát triển dòng sản phẩm này, Adobe đã lần lượt cho ra mắt 6 phiên bản, lần lượt là CS, CS2, CS3, CS4, CS5, CS6 – phục vụ nhiều lĩnh vực khác nhau, từ phần mềm chỉnh sửa ảnh, thiết kế vector đến dựng video có nội dung phức tạp,…

Phiên bản mới nhất cũng là phiên bản cuối cùng – Photoshop CS6 ra mắt vào tháng 5/2012, thu hút được sự chú ý đặc biệt từ phía người dùng nhờ bổ sung thêm nhiều tính năng mới và đơn giản hóa quá trình chỉnh sửa. Để sử dụng bộ công cụ CS6, người dùng phải đăng ký và trả tiền theo từng tháng. Dù Adobe không phát hành thêm bất kỳ phiên bản CS nào nhưng vẫn thường xuyên cập nhật bản sửa lỗi.

  • Photoshop CC

Photoshop CC

Adobe Photoshop CC ra đời trong nỗ lực đưa Photoshop lên môi trường đám mây để hạn chế vi phạm bản quyền và dễ dàng tung ra các bản cập nhập. Bộ công cụ này được tích hợp sẵn trong Photoshop Lightroom. Nếu muốn sử dụng riêng, bạn phải đăng ký và trả phí dịch vụ hàng tháng.

Phiên bản Photoshop CC đầu tiên được phát hành vào tháng 06/2013, đến nay đã có tổng cộng 6 phiên bản được phát hành. Phiên bản mới nhất – Photoshop CC 2019 đã chính thức được phát hành vào tháng 10/2018.

Photoshop CC được sử dụng chủ yếu bởi các designer, developer, editor và photographer nhờ tính năng cung cấp công cụ chỉnh sửa ảnh độc đáo và mạnh mẽ. Hơn nữa, ngoài ảnh 2D, ứng dụng này còn cho phép người dùng chỉnh sửa và sáng tạo các tác phẩm 3D.

5. Phân biệt Photoshop dành cho Mac và cho Windows

Về cơ bản bản, cả hai phiên bản gần như giống nhau hoàn toàn. Sự khác biệt đến từ các yêu cầu kỹ thuật của riêng từng loại máy. Theo đó, máy chạy Windows phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau để đảm bảo Photoshop hoạt động ở trạng thái tốt nhất:

  • Vi xử lý: Intel® Core 2 hoặc bộ xử lý AMD Athlon® 64; tốc độ xử lý 2GHz trở lên.
  • Hệ điều hành: Microsoft Windows 7 với Gói dịch vụ 1, Windows 8.1, Windows 10.
  • RAM: tối thiểu 2GB.
  • Dung lượng ổ cứng: tối thiểu 2,6GB cho phiên bản 32 bit và 3,1GB cho phiên bản 64bit.
  • Độ phân giải màn hình tối thiểu: 1024×768, 16-bit màu, VRAM 512MB trở lên.
  • Thư viện đồ họa: OpenGL 2.0.
  • Internet: Cần có kết nối Internet để kích hoạt phần mềm, xác nhận đăng ký và truy cập các dịch vụ trực tuyến khác.

Đối với máy tính chạy MacOS:

  • Bộ xử lý: Intel đa nhân hỗ trợ 64 bit.
  • Hệ điều hành: MacOS phiên bản 10.13 (High Sierra), MacOS phiên bản 10.12 (Sierra), Mac OS X phiên bản 10.11 (El Capitan).
  • RAM: tối thiểu 2GB.
  • Dung lượng ổ cứng: tối thiểu 4GB.
  • Độ phân giải màn hình tối thiểu: 1024×768, 16-bit màu, VRAM 512MB trở lên.
  • Thư viện đồ họa: OpenGL 2.0.
  • Internet: Cần có kết nối Internet để kích hoạt phần mềm, xác nhận đăng ký và truy cập các dịch vụ trực tuyến khác.

6. Chi phí để sử dụng Photoshop

Adobe Photoshop có các mức giá khác nhau cho từng sản phẩm:

  • Photoshop Elements: $100 để sử dụng trọn đời.
  • Các sản phẩm Photoshop: từ $10 – $60 / tháng.

Adobe Photoshop cũng có các chương trình giảm giá cho sinh viên, giáo viên và các tổ chức muốn mua bản quyền cho các nhóm từ 10 người trở lên.

7. Học cách sử dụng Photoshop

Có nhiều cách để tiếp cận và sử dụng thành thạo Photoshop, phổ biến nhất là tham gia các lớp học Photoshop hoặc các khóa Photoshop trực tuyến và tự học thông qua tài liệu và các video hướng dẫn có sẵn trên mạng. Dù là bằng cách thức nào, chỉ cần siêng năng tìm hiểu và chăm thực hành, bạn hoàn toàn có thể trở thành chuyên gia với Photoshop!

Nguồn: https://cuongquach.com/