Restful API là gì? Cách thức hoạt động của Restful API

Restful API là gì? Cách thức hoạt động của Restful API

Trong thời gian gần đây, từ khóa “RESTful API” đang trở nên vô cùng “hot”. Vậy, RESTful API là gì? Lịch sử hình thành của RESTful API ra sao? RESTful API có cách thức hoạt động như thế nào? Tất cả sẽ được TinoHost giải đáp giúp bạn trong bài viết này!

RESTful API là gì?

RESTful API (còn được gọi là REST API) là một tập hợp các tiêu chuẩn dùng trong việc xây dựng và thiết kế API cho web services để việc quản lý các Resource trở nên dễ dàng hơn. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng RESTful API chú trọng vào tài nguyên của hệ thống, những Resource này thường được định dạng sẵn và sử dụng HTTP để truyền tải đi.

Phương thức REST này được phát bởi Roy Fielding vào năm 2000 trong bài luận án tiến sĩ của ông.

Trong bài sẽ giữ nguyên một số từ tiếng Anh như:

  • Resource: tài nguyên
  • Method: phương pháp hoặc phương thức.
  • Transaction: tiến trình

Tuy nhiên, để giữ được mức độ chính xác cao hơn, TinoHost sẽ giữ nguyên và không dịch ra thành tiếng Việt trong bài.

Cấu phần của RESTful AP

REST là gì?

REST là viết tắt của REpresentational State Transfer. Đây là một công nghệ giúp chuyển đổi cấu trúc dữ liệu và là một dạng kiến trúc để viết nên các API. Thay vì sử dụng URL cho việc xử lý thông tin, REST sẽ dùng các HTTP method như: GET, PUT, POST và DELETE để xử lý dữ liệu.

Gần đây, REST được ưa chuộng hơn những công nghệ tương tự khác rất nhiều vì REST sử dụng ít băng thông và linh hoạt. Những ưu điểm này của REST giúp nguồn tài nguyên được sử dụng hợp lý cũng như hoạt động trên Internet trở nên hiệu quả hơn.

API là gì?

API là viết tắt của Application Programming Interface hay giao diện lập trình ứng dụng. Đây là tập hợp các cơ chế và quy tắc hoạt động của một thành phần hoặc một ứng dụng có thể tương tác được với một thành phần, ứng dụng khác.

Nói cách khác, API là một phương thức giúp 2 phần mềm khác nhau có thể giao tiếp, trao đổi với nhau dễ dàng hơn.

Nếu là một người bán hàng online và sử dụng WordPress, bạn sẽ từng tìm hiểu để tích hợp dịch vụ giao vận của Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm vào trang web của bạn đúng không? Và đây chính là ví dụ điển hình nhất của API.

Cách thức hoạt động của RESTful API

RESTful API chia nhỏ một transaction ra thành nhiều module nhỏ khác nhau. Mỗi một module sẽ giải quyết một phần công việc trong transaction đó. Việc chia nhỏ thành các module này giúp các nhà phát triển có thể linh hoạt xử lý hơn. Tuy nhiên, việc chia nhỏ này cũng tạo ra không ít thách thức trong quá trình thiết kế RESTful API từ đầu.

Một số nhà phát triển cung cấp sẵn các module như AWS với dịch vụ Amazon 3S, Cloud Data Management Interface của SNIA hay OpenStack Swift.

Các HTTP method

RESTful API sử dụng các lệnh để thực hiện tương tác với Resource và RESTful API sử dụng các HTTP method như:

  • GET

     

    để lấy Resource

  • PUT

     

    để thay đổi trạng thái hoặc cập nhật trạng thái của Resource. Resource có thể là một vật một file hoặc một khối nào đó.

  • POST

     

    được dùng để tạo Resource

  • DELETE

     

    dùng để xóa Resource đó đi.

Nếu là một sinh viên ngành kỹ thuật phần mềm, thế nào, bạn cũng đã từng nghe qua các thầy nói các thao tác cơ bản như: tạo/thêm, đọc, sửa, xóa được viết tắt là CRUD – Create, Read, Update, Delete.

Ở thời điểm hiện tại, JSON được rất nhiều lập trình viên sử dụng làm format (định dạng) để viết RESTful API. Bạn có thể sử dụng XML cũng được, miễn sao việc này tiện lợi và nhanh nhất đối với bạn.

Ví dụ về Authentication request và cấu trúc dữ liệu trả về

Dữ liệu trả về của một request GET danh sách User trong hệ thống được thể hiện trong ví dụ như sau:

{

“status_code”: 200,

“data”: [

{

“name”: “Meomeomeo”,

“email”: “[email protected]”,

“ny”: “Con meo”

},

{

“name”: “Ahihi”,

“email”: “[email protected]”,

“ny”: “not found”

}

],

error_messages: “”

}

RESTful API không sử dụng cookies và session mà sử dụng access_token cho mỗi request.

Ý nghĩa của các Status code

Như ở trong ví dụ trên, bạn thấy có hiển thị ngay phía trên đầu là một status_code. Vậy Status code là gì và ý nghĩa ra sao? Bạn có thể tham khảo ngay dưới danh sách này nhé!

  • 200 OK

     

    – khi thực hiện thành công một số method như GET, PUT hay DELETE, bạn sẽ thấy Status code này được trả về màn hình.

  • 201 Created

     

    – hiện ra khi một Resource được tạo thành công.

  • 204 No Content

     

    – hiện ra khi Resource xoá thành công hoặc trường hợp Resources được xử lý xong nhưng không có dữ liệu được trả về.

  • 304 Not Modified

     

    – Giúp client có thể sử dụng cache.

  • 400 Bad Request

     

    – Request đi/đến không hợp lệ

  • 401 Unauthorized

     

    – Request cần có quyền thích hợp.

  • 403 Forbidden

     

    – đây là trường hợp bị từ chối truy cập.

  • 404 Not Found

     

    – Trong URL không có Resource hoặc URL không tồn tại.

  • 405 Method Not Allowed

     

    – Method không được hỗ trợ hoặc User không đủ quyền.

  • 410 Gone

     

    – Resource không còn tồn tại hoặc phiên bản quá cũ và không còn hỗ trợ.

  • 415 Unsupported Media Type

     

    – Server không hỗ trợ hoặc không chấp nhận kiểu Resource này.

  • 422 Unprocessable Entity

     

    – Dữ liệu không/ chưa được xác thực

  • 429 Too Many Requests

     

    – Request bị từ chối do có quá nhiều Request hoặc đã đạt giới hạn.

Những tiêu chí để một API được coi là RESTful

  • Có giao diện UI thống nhất – Use of a uniform interface (UI): các tài nguyên cần phải được tạo qua 1 URL duy nhất và sử dụng các method cơ bản của giao thức mạng nếu có để thao tác với Resource.
  • Xây dựng dựa trên nền tảng Client – Server: yếu tố phân định rõ ràng đâu là máy chủ đâu là máy khách là rất quan trọng nhằm để quản lý truy cập dữ liệu, công việc và nâng cao bảo mật.
  • Họa động không trạng thái – Stateless operations: để trạng thái xử lý ở Client chứ không phải là tại Server.
  • Tạo bộ nhớ đệm – RESTful Resource caching:

     

    phải tạo bộ nhớ đệm với các tài nguyên hữu ích.

  • Hệ thống phân lớp – Layered system:

     

    REST có thể giúp tạo ra một server có phân thành nhiều lớp.

  • Mã yêu cầu – Code on demand:

     

    phần lớn các trường hợp, Server sẽ phản hồi lại bằng XML hoặc JSON. Trong trường hợp cần thiết, server có thể gửi mã đến client.

Ưu điểm của RESTful API

  • Giúp code của bạn trở nên gọn gàng và rõ ràng hơn.
  • Dữ liệu sẽ có thể được trả về với nhiều loại định dạng khác nhau như: JSON, XML, HTML,…
  • Tài nguyên của hệ thống sẽ được tối ưu nhất khi sử dụng REST.
  • Ứng dụng/ phần mềm của bạn trở nên “ngon lành” hơn.

Những thách thức khi sử dụng RESTful API

  • Cần phải nhất quán về điểm cuối
  • Phải lập từng phiên bản API- URL và lưu trữ lại nếu không hệ thống sẽ không hỗ trợ phiên bản cũ dẫn đến lỗi không đáng có.
  • Cần lưu ý nhiều về bảo mật các thông tin và sử dụng các biện pháp như: dùng HTTPS, chặn địa chỉ IP, tên miền không an toàn, yêu cầu đăng nhập cũng như ghi nhật ký lỗi lại.
  • Xác định nhanh các mã lỗi và thông báo để xử lý nhanh gọn nhất.
  • Phải thực hiện testing API để đảm bảo rằng API hoạt động ổn định.

Và còn rất nhiều những thách thức khác cần bạn phải lưu tâm khi sử dụng.

Nguồn: wiki.tino.org