Sách Khai Tâm – Phong Cách Nghệ Thuật Thơ Huy Cận Qua Lửa Thiêng – Nguyễn Thị Kim Ửng

Tập sách này được triển khai từ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM được tác giả bổ sung thêm nhiều chi tiết, chỉnh sửa dựa trên đóng góp của các nhà nghiên cứu. Trong đó có những chương viết theo từng chủ đề cụ thể như “Những nhân tố hình thành phong cách nghệ thuật thơ Huy Cận”, “Phong cách nghệ thuật thơ Huy Cận thể hiện qua vũ trụ thơ Lửa thiêng”, “Phong cách nghệ thuật thơ Huy Cận thể hiện qua ngôn ngữ thơ Lửa thiêng”; và “Ảnh hưởng văn chương trong phong cách nghệ thuật thơ Huy Cận và sức lan tỏa của Lửa thiêng”…

Có thể nói, tác phẩm này đã góp thêm một hướng tiếp cận mới về nghiên cứu thơ Huy Cận trong dòng chảy của đời sống văn học đương đại; góp thêm ý kiến giải thích phong cách thơ độc đáo qua ngôn ngữ thơ và thi ảnh mang tính văn chương – văn hóa – triết học của Huy Cận…

Điều thú vị là tác giả đã bổ sung tư liệu một số văn bản thơ và đối chiếu những tư liệu bản thảo ban đầu đã được nhà thơ sử dụng qua thao tác chọn lựa hoặc kết hợp trong quá trình sáng tác. Chúng ta được xem nhiều bản thảo ban đầu chép tay, chỉnh sửa của nhà thơ Huy Cận. Có thể ghi nhận các bản thảo này là những cơ sở khoa học để đối chiếu và chứng minh tài năng sáng tạo nghệ thuật của Huy Cận.

Góp phần lý giải tựa tập thơ Lửa thiêng, tác giả cho rằng: “Lửa từng xuất hiện trong thơ Rimbaud – Donc le poète est vraiment voleur de feu – (Nhà thơ đúng là kẻ trộm lửa thiêng – ám chỉ vị thần Prométhée trong thần thoại Hy Lạp đã trộm lửa thiêng của thần Zeus để tặng cho loài người). Rimbaud gắn sứ mệnh của nhà thơ với câu chuyện đi tìm lửa tương tự như thần Prométhée. Thiết tha qua cảm hứng thời đại của mình, Huy Cận đã mong mỏi nhà thơ trong thời đại mới cũng có sứ mệnh mang “lửa thiêng” thắp sáng cuộc đời.