Tất tần tật về Business Analyst – BA 101

Bên cạnh những vị trí đã “nhẵn mặt” trong một công ty Công nghệ thông tin như Developer, QA QC, PM,… BA hay Business Analyst đang dần được biết đến nhiều hơn như một đứa “con lai” được nhiều người yêu quý của ngành IT. Trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 và tiềm năng của nó, sự nổi lên của nghề Business Analyst như là một tất yếu, không chỉ bởi nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp mà còn xuất phát từ nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của vị trí này. Đó là lý do mà trong vài năm trở lại đây, nghề BA bắt đầu thu hút được sự quan tâm, chú ý của đông đảo các bạn trẻ hay các chuyên gia trong lĩnh vực. 

Mức lương được cho là hợp lý so với mặt bằng chung cũng là một trong những điểm để BA được nhiều người đưa vào diện cân nhắc khi chọn ngành nghề và hướng phát triển. Theo báo cáo của IIBA, mức lương của BA trên thế giới trung bình rơi vào khoảng 150 triệu/tháng, và 120 triệu/tháng với BA tại Mỹ. Ở Việt Nam, do tính chất thị trường và độ trễ nhất định về sự phát triển so với thế giới, mức lương trung bình của BA giao động từ khoảng 12 – 60 triệu/tháng. Tuy nhiên đây là công việc có tiền năng phát triển lớn trong tương lai nên sức hút của nó vẫn tăng lên hằng năm.

Là một vị trí trong công ty về Công nghệ nhưng gọi BA là “dân IT” (Information Technology – CNTT) thì hơi “oan” cho BA bởi một số đặc trưng khác biệt trong công việc. Tại bài viết này, Spiderum sẽ chỉ ra những khác biệt đó, đồng thời đem đến cái nhìn tổng quan nhất về BA cùng một số yêu cầu cơ bản và lộ trình để phát triển trong ngành. 

Tổng quan về Business Analyst

Business Analyst là gì?

Business Analyst – Phân tích nghiệp vụ – theo định nghĩa của Viện phân tích kinh doanh quốc tế (IIBA) trong “A Guide to the Business Analysis Body of Knowledge” (BABOK) là người thực hiện các nhiệm vụ về phân tích nghiệp vụ, xác định các nhu cầu và đề xuất giải pháp mang lại giá trị cho các bên liên quan. Phân tích nghiệp vụ cho phép doanh nghiệp xác định được nhu cầu và lý do thay đổi, đồng thời BA thiết kế và mô tả các giải pháp mang lại giá trị cho doanh nghiệp.

Hay nói cách khác, BA tìm hiểu vấn đề doanh nghiệp/tổ chức, xác định tình hình hiện tại, xu hướng tương lai. Đồng thời, tìm hiểu nhu cầu cụ thể của các bên liên quan. Phân tích yêu cầu, đề xuất và xây dựng các giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp.  

Vì vậy, vai trò của BA không chỉ dừng lại ở lĩnh vực IT mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, kỹ năng mềm và kỹ năng nghiệp vụ cũng được coi trọng không kém so với kiến thức kỹ thuật.

Các chuyên môn và công việc chính của BA

Trở thành một BA, công việc chính của bạn là đóng vai trò cầu nối giữa khách hàng với doanh nghiệp hay người phụ trách kỹ thuật, là người đưa ra giải pháp cho những yêu cầu của khách hàng. Hiện nay BA có thể được chia thành 6 nhóm vai trò chính:

  • Business Requirement Analyst (BRA):

    Là người định hướng giải pháp về mặt business của tổ chức

  • Business System Analyst (BSA):

    Là người cầu nối giữa team Business và team Technical

  • System Analyst (SA):

    Là người chuyên xử lý các vấn đề liên quan trực tiếp đến mặt giải pháp công nghệ

  • Functional Analyst (FA):

    Là người chuyên về một giải pháp, triển khai cho doanh nghiệp, tiếp nhận yêu cầu và điều chỉnh hệ thống cho từng doanh nghiệp. Ví dụ có thể là nhân viên triển khai các hệ thống ERP, CRM…

  • Agile Analyst (AA):

    Là những người làm việc phân tích và đưa ra giải pháp theo triết lý Agile, tiếp cận dự án theo hướng đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả theo mục tiêu đặt ra. Ví dụ Là BA, PO trong team Scrum.

  • Service Request Analyst (SRA):

    Hỗ trợ người dùng cuối, chăm sóc, tư vấn hỗ trợ khách hàng từ những giải pháp đã triển khai.  

(Nguồn: bacs.vn)

Sinh viên định hướng BA có thể lựa chọn làm việc và phát triển tại các công ty Outsourcing hoặc các công ty Product.

Đối với BA trong công ty outsource nhiệm vụ của BA thường liên quan đến các nội dung cụ thể như:

  • Giao tiếp với khách hàng

  • Thu thập các yêu cầu dự án

  • Xác định phạm vi của dự án (scope of the project)

  • Phân tích yêu cầu và mô tả tài liệu cho dự án

  • Kiểm tra nghiệm thu dự án

  • Quản lý tài liệu dự án

Về phía công ty product, các BA thường làm các nhiệm vụ chính sau:

  • Nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh

  • Dự báo về thị trường, sự phát triển của doanh nghiệp

  • Tìm hiểu yêu cầu của Business Owner

  • Làm việc với các bên liên quan, đặc biệt là người dùng cuối để tìm hiểu đúng nhu cầu của họ

  • Phân tích yêu cầu

  • Đưa ra giải pháp

  • Tiếp nhận những phản hồi từ thị trường, các bên liên quan, người dùng cuối

  • Tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm

  • Tham gia vào việc phối hợp để tiếp thị, quảng bá và bán sản phẩm

Cơ hội phát triển ngành Business Analyst

BA làm việc ở tất cả các cấp của một công ty, có thể tham gia vào mọi việc từ xác định chiến lược, xây dựng cấu ​​trúc doanh nghiệp, lãnh đạo đội ngũ trong xác định mục tiêu và yêu cầu cho các dự án hoặc hỗ trợ cải tiến công nghệ và quy trình của tổ chức.

Khi mới ra trường, sinh viên có thể lựa chọn làm việc hoặc thực tập để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm với vị trí BA. Sau khi có 2 – 3 năm kinh nghiệm, giai đoạn này các bạn có thể phát triển qua các cấp Junior BA – Senior BA – Principle BA. 

Tiếp đó, BA có thể phát triển lên theo các hướng khác nhau. Ví dụ như phát triển theo hướng vận hành thì BA có thể đi lên Project Manager, Product Manager, Program Manager, CIO… Hướng thứ 2 là quản lý, các BA nhiều năm kinh nghiệm có thể trở thành các BA program lead, BA team lead, BA Practice lead, và xa hơn, BA manager hay Relationship manager. Ngoài ra, người giữ vị trí BA của doanh nghiệp rất có khả năng trở thành người xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp, Enterprise Architect. 

Học gì để trở thành Software Business Analyst (BA)

Như đã nói ở trên, BA là “con lai” của ngành IT bởi những đòi hỏi về cả kiến thức kỹ thuật và nghiệp vụ của một người muốn làm việc ở vị trí này.

Vì vậy, dù xuất phát điểm là gì, để trở thành BA bạn cần phải trau dồi về cả 2 mảng nghiệp vụ và kỹ thuật. Về kỹ thuật, bạn cần học các chuyên môn về .Net, Java, PHP, Ruby, Python, Node.js, Cloud, CD/CI hay Automation… Ngoài các kiến thức về IT, BA cũng cần có những kiến thức về Business (nghiệp vụ), marketing, UX (User Experience), Sales (bán hàng) và kiến thức các lĩnh vực khác như: Supply Chain, Logistics, CRM, Finance,…

Nếu bạn “xuất thân” từ lĩnh vực IT, đã có kiến thức về kỹ thuật, bạn chỉ cần bổ sung thêm những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ để trở thành một BA như kế toán, tài chính, marketing, nhân sự,… đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và đàm phán. 

Với những người không chuyên về kỹ thuật nhưng mạnh về một nghiệp vụ (marketing, nhân sự,…) đa phần có kỹ năng giao tiếp tốt nhưng gặp rào cản về kỹ thuật để trở thành một BA. Bạn cần trau dồi thêm về mảng kỹ thuật để nắm được các hệ thống và quy trình kỹ thuật cần thiết.

Ở các trường Đại học, các ngành học phù hợp nhất cho nghề BA đó là: ngành Hệ thống thông tin quản lý – Management Information Systems (ngành này giúp bạn có kiến thức cơ bản về kinh tế, kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về hệ thống thông tin quản lý); ngành Công nghệ thông tin và nhóm ngành Kinh tế (nhóm các ngành liên quan đến quản trị, tài chính, kế toán, kiểm toán…).

Các trường đào tạo ngành Business Analyst

Hiện nay có nhiều trường đào tạo các ngành về Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ thông tin và các nhóm ngành quản trị của Kinh tế, có thể kể đến:

  • Đại học Bách khoa Hà Nội

  • Đại học Kinh tế Quốc dân

  • Đại học Ngoại Thương

  • Đại học Thương Mại

  • Học viện Ngân Hàng

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các khóa học về Business Analyst tại:

  • Nordic coder

  • Bacs.vn

  • Coursera.org

  • Udemy.com

Đây đều là các website cung cấp các khóa học và lộ trình chất lượng cho bạn theo đuổi ngành BA. Tuy nhiên để đảm bảo chắc rằng các khóa học này có thể giúp bạn đi đúng hướng trong hành trình trở thành một BA, hãy tìm hiểu kỹ về yêu cầu công việc của ngành và phân tích, đối chiếu với những gì bạn đang được học nhé!

Trên đây là những thông tin cơ bản giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về công việc Business Analyst. Hy vọng có thể giúp bạn có được cái nhìn rõ ràng hơn về công việc và có những quyết định phù hợp cho mình. Đừng bỏ lỡ loạt bài tiếp theo về BA trên website Người Trong Muôn Nghề để có được thông tin toàn diện nhất về những yêu cầu công việc của một BA và xây dựng một lộ trình phát triển cho riêng mình. Để lại bình luận nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thông tin gì muốn chia sẻ, chúng mình sẽ cùng nhau giải đáp. Đừng quên ủng hộ Người Trong Muôn Nghề bằng cách chia sẻ bài viết này nếu bạn thấy nó hữu ích nhé!