“Ngôn ngữ mật mã” của giới trẻ: Đánh đố người đọc

Những “ ngôn ngữ ” chưa từng Open

Thời gian gần đây, ngôn ngữ kiểu “pà kon ui” (bà con ơi) đã trở thành ngôn ngữ “đẳng cấp dưới” vì tuy hơi khó đọc nhưng người đọc vẫn có thể hiểu cơ bản nội dung của thông tin. Các thông tin theo kiểu “mật mã hiện đại” xuất hiện nhan nhản trên các diễn đàn tuổi teen hay các trang web cá nhân. Nếu không được “phiên dịch” có lẽ không thể có ai hiểu được những kiểu viết này ngoài những người trong cuộc: “͵ x íhµ m xêí £í µøê h¥ )t tí m hø øí gê µ  v  øê h¥ gệí hµ ríg )µíg ¥µ phê thíg §ø khíh íhµ ßø” (nếu xa nhau em xin lần cuối hãy đặt tên em cho con gái của anh, và anh ơi hãy dặn cháu rằng đừng yêu phải thằng sở khanh như bố).

Ngôn ngữ kỳ quặc xuất hiện khá phổ biến trên Blog của giới trẻ

Tất nhiên không phải chỉ dừng lại ở một thứ “mật mã” như trên mà còn có nhiều kiểu sử dụng “mật mã” khác. Một cách viết khác được sử dụng trên nhiều trang thông tin: Ka^’p ddo^. – doc. – duoc (Cấp độ đọc được), hay K0^’ g4(G’ )0.k -|)u 0 k (Cố gắng đọc được) (Chú giải: C = k, A = 4, Đ = ) hoặc -|), Ư = u ) và vCl… †|ºCl]\[ †ºCl ]\[ “†Cl/v\ †]†”: (và… hoàn toàn “tậm tịt”) (Chú giải: V = v, A = Cl, H = †|, O = º, N = ]\[, T = †, M = /v\, I = ]).

Theo quan điểm của nhiều người trẻ, ai không hiểu được “ngôn ngữ” này có nghĩa là người đó đã… già(?).

Và để nhiều người có thể cùng hiểu được thì song hành với những kiểu “ngôn ngữ” kỳ lạ này, một số bạn trẻ còn sáng chế ra phần mềm để giải mã các “ngôn ngữ” ấy. Theo đó, khi cài đặt phần mềm này, người sử dụng có thể chuyển đổi các “mật mã” sang tiếng Việt thông thường.

“Ngôn ngữ” kỳ quặc xâm nhập cả công sở

Các nhân viên trong đội kinh doanh của một công ty máy tính ở Hà Nội đã rất ngạc nhiên khi đồng loạt nhận được e-mail của sếp: “Tua^n` nai` 4nh -dj coO^g ta’c, mOoi. nguoO i` th4y nh4u )i hOo.p vs hoa`n thAnh` no^t’ nhu g~ co^g viE^c. -dA~ -dC, pha^n co^g”. Nội dung đó được hiểu là: Tuần này anh đi công tác, mọi người thay nhau đi họp và hoàn thành nốt những việc đã được phân công.

Tìm hiểu ra mới biết, anh “sếp” nọ tuy hơi lớn tuổi nhưng lại đang yêu một cô gái kém hơn chục tuổi. “Ngôn ngữ” của cô bé ngày ngày cứ “thấm” dần thế là vị sếp mới sử dụng luôn trong các giao dịch thông thường hàng ngày.

Một nhân viên công sở khác lại thường xuyên nhận được email như: “Cac’ ca^u hoj. cUa. chj. em da~ tra. lo `i trog fjle -djnk’ ke`m. Em ru t’ xjn lo^i~ vj` da~ la`m tre^~ tje^n’ -do^. kua. chj. Chuk’ chj. cuoo^’i tua^`n vuj!” (Các câu hỏi của chị em đã trả lời trong file đính kèm. Em rất xin lỗi vì đã làm trễ tiến độ của chị. Chúc chị cuối tuần vui).

Những nick chat cũng được biểu lộ bằng những ký tự lạ mắt

“Ngôn ngữ” kỳ quặc cũng đã bắt đầu xuất hiện trên các email hay giao dịch qua chat. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng “ngôn ngữ” kiểu “mật mã” như vậy trong các giao dịch mang tính chất nghiêm túc thì vừa là “đánh đố” người đọc vừa thiếu tôn trọng đối tác vì không phải ai cũng có thể đọc được những “mật mã” kiểu này hay biết rõ cách cài đặt phần mềm “giải mã”. Có người cũng đặt ra câu hỏi: “Tại sao không sử dụng cách viết thông thường mà lại phải nghĩ ra những “mật mã” như vậy rồi lại mất công sáng tạo ra một phần mềm giải mã?

Việc giới trẻ có những sáng tạo mới hay có những cách thể hiện riêng là điều bình thường. Tuy nhiên, việc sử dụng những “sự sáng tạo” quá khác thường trong các mối quan hệ nghiêm túc có lẽ cũng cần phải có sự thay đổi. Điều quan trọng là phải biết sử dụng những “sáng tạo” đó đúng lúc, đúng chỗ!

Hoàng Phương