Những tờ tiền vàng mã dễ gây nhầm lần.
Bạn đang đọc: Tiền địa phủ như tiền thật: Lúng túng trong xử lý
Theo lời kể của những tiểu thương buôn bán vàng mã, thời gian đầu loại tiền này được du nhập từ Trung Quốc về. Hoạ tiết in sắc nét và kích cỡ tương tự như tiền polymer thật có mệnh giá tương ứng. Trong khi đó, mức giá bán cũng không chênh lệch nhiều so với loại vàng mã thông thường nên rất nhiều người chuyển sang “đốt” loại tiền này. Tất cả các mệnh giá đồng nội tệ địa phủ đều có chung một giá bán 5.000 đồng/tập; ngoại tệ địa phủ như Euro, USD… thì có giá 6.000 đồng/tập. Thậm chí, có thời điểm khan hàng nhiều tiểu thương còn tự ý nâng giá bán đồng nội tệ địa phủ lên 7.000 đồng/tập và ngoại tệ địa phủ là 9.000 đồng/tập.
Thấy vàng mã thông thường thất thế nhiều người làm nghề vàng mã đã không ngần ngại bỏ ra từ 20- 40 triệu đồng để mua về một chiếc “máy in tiền”. Do đó, bây giờ trên thị trường xuất hiện đủ các chủng loại tiền polymer địa phủ. Chị Thu Hương, chủ cửa hàng vàng mã, ngõ 90, phố Hoa Bằng, phường Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội chỉ tay xuống sạp hàng của mình giới thiệu: “Tôi có tất cả các mệnh giá từ 10.000 đồng đến 500.000 đồng. Nhưng có mấy loại, loại sắc nét thì 5.000 đồng/tập; hoa văn mờ hơn thì 4.000 đồng/tập, ai thích loại nào thì chọn. USD và Euro thì đắt hơn 1.000 đồng/tập. Trông xa nó chẳng khác gì tiền thật nên nhiều người chuyển sang mua loại tiền này cho đẹp mắt”.
Ông Trịnh Văn Ngọc, Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường (CCQLTT) Hà Nội cho biết: “CCQLTT đã từng kiểm tra trên tuyến phố Hàng Mã mấy vụ. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến văn hoá, chế tài xử phạt chưa rõ, nên chúng tôi chỉ kiểm tra và xử lý được giấy phép sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế nó không phải là tiền giả mà ngay trên mỗi tờ đều đề rõ là ngân hàng địa phủ, có hình ảnh biểu tượng là Diêm Vương. Chỉ có điều trông nó gần giống với tiền thật nên nhiều người đã lợi dụng sự giống nhau đó để lừa gạt, cố tình tạo sự nhầm lẫn”.
Sản xuất chui
Theo các cơ quan chức năng, đến thời điểm này, chưa có cơ sở sản xuất nào được cấp giấy xác nhận đăng ký in loại vàng mã polymer này. Nhưng với các cơ sở vi phạm, lực lượng chức năng chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể xử phạt, do chưa có chế tài xử lý cụ thể.
Theo ông Dương Kỳ Lân, Phó GĐ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội thì hành động duy nhất của các cơ quan thực thi tại thời điểm này là tịch thu, nhắc nhở, bởi Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có văn bản quy định về việc quản lý cũng như xử phạt liên quan đến lĩnh vực này. Sở này đang gặp không ít khó khăn do chưa có cơ chế pháp lý, đồng thời cũng chưa có quy định về chế tài xử phạt hành vi vi phạm, nên tiền polymer địa phủ lậu vẫn tiếp tục “bành trướng” trên thị trường.
Trong Nghị định 56/2006 có quy định mức phạt đối với các hành vi vi phạm khi in, nhân bản, xuất bản phẩm lậu. Nhưng vàng mã lại không nằm trong danh mục này. Nghị định 105/2007 cũng quy định: “Cơ sở in tham gia in sản phẩm là vàng mã, phải đăng ký loại vàng mã dự định in với Sở Văn hóa – Thông tin sở tại” (nay là Sở Thông tin và Truyền thông). Nhưng do thiếu cơ sở pháp lý nên cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương chưa triển khai thực hiện cấp giấy xác nhận đăng ký in vàng mã cũng như không thể kiểm soát hiệu quả hoạt động này.
Trong khi đó, Cục Xuất bản – Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng, Nhà nước cũng không nên áp đặt một số mẫu vàng mã thống nhất chung trong cả nước. Vì như thế sẽ bị xã hội phản ứng. Trong lĩnh vực này chỉ nên hướng dẫn tiêu dùng những cái nên và không nên.
Thiết nghĩ khi đã có trong tay “máy in tiền”, cơ quan quản lý lại chưa có hành lang pháp lý để xử lý thì chuyện in ra những tờ tiền vàng mã tương tự tiền thật không phải quá khó. Do đó, các văn bản quy phạm pháp luật cần được bổ sung, quy định cụ thể, chi tiết hơn để những người thực thi thuộc lĩnh vực này căn cứ xử lý.
Source: https://final-blade.com
Category: Tiền Điện Tử – Tiền Ảo